Tâm tính và thái độ!

Có bài viết rất hay của bạn Tran The Dung nói về tâm tính và thái độ. Theo quan điểm của bạn, tâm tính của một con người mới là cốt lõi, còn thái độ (thứ mà Group luôn coi trọng) chỉ là vẻ ngoài, vỏ bọc…
Quan điểm này không sai, nếu không muốn nói là rất đúng! Tâm tính là tính cách là tâm can, là thứ thuộc về bẩm sinh, rất khó thay đổi (dù vẫn có thể thay đổi). Còn thái độ là sự lựa chọn (choice) cách ứng xử với sự vật, hiện tượng, tình huống giao tiếp, tương tác, tác động, bối cảnh… phụ thuộc vào cả yếu tố khách quan (môi trường sống, luật pháp, văn hóa..), lẫn chủ quan (nỗi sợ, sở thích, lòng yêu thương, hay hận thù…). Là một sự lựa chọn, nên cùng đối với một hiện tượng (ví dụ bị mất cắp), nhưng thái độ của một người có thể thay đổi theo bối cảnh, thời gian, không gian…; có khi lên án gay gắt, nhưng cũng có khi thông cảm và tha thứ.
Tuy vậy, tâm tính con người không thể nhận diện cho đến khi con người thể hiện bằng thái độ, rồi cụ thể hóa bằng hành vi. Và tâm tính thường là chung chung, trong khi thái độ là sự lựa chọn riêng cho từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể. Ví dụ người có tâm tính hiền lành, vẫn có thể chọn thái độ quyết liệt, dữ dằn với kẻ xấu, kẻ ác (và thái độ đó là rất phù hợp, đáng hoan nghênh). Hoặc một người có tâm tính xấu xa (ví dụ, tham lam, ác độc), nhưng biết kềm chế, biết tiết dục, biết cân nhắc để không có thái độ độc ác, xấu xa (vì môi trường xung quanh tác động, vì luật pháp khắt khe, vì tôn giáo không cho phép làm điều ác…) thì cũng đáng hoan nghênh.
Ví dụ khác, tâm tính con người luôn muốn lấn lướt người khác, muốn giành giật, hơn thua nên trong thâm tâm luôn muốn vượt đèn đỏ khi đi xe (cho nó lẹ), nhưng trong một xã hội phát triển, thái độ của người ấy sẽ không làm thế (vì e phạm luật, vì e nhiều người đánh giá, e con cái học theo rồi trở thành người xấu…). Sự lựa chọn thái độ trái ngược hay trùng khớp với tâm tính là tùy vào bối cảnh, môi trường khách quan, và từ những tác động chủ quan như sức khỏe, tâm lý, cảm xúc tại thời điểm lựa chọn thái độ (ví dụ, khi vui thì bao dung, khi buồn thì khe khắt…).
Một ví dụ khác cho dễ hiểu, tâm tính thôi thúc ta quảng cáo, bán hàng, khoe chức vụ, nghề nghiệp, công ty…, vì đó là nhu cầu có thật và là nhu cầu chính đáng, nhưng khi vào Group này, ta phải chọn thái độ ngược lại là không làm vậy, và không ủng hộ bất cứ ai làm vậy trên trang Group (vì ở đây mọi người đều “ăn chay” mà…). Tâm tính ta thích ăn mặn, nhậu nhẹt, nhưng ở một nơi mà mọi người đều ăn chay, ta sẽ chọn thái độ ăn chay cùng mọi người và ủng hộ mọi người ăn chay!
Đánh giá tâm tính là rất khó, vì không thể nhìn thấu tâm can người khác cho đến khi người đó tỏ thái độ và biểu hiện bằng hành vi. Trong quản lý nhà nước, cũng như quản lý doanh nghiệp, chúng ta áp dụng luật lệ, nội quy, chuẩn mực, văn hóa…, và chúng ta sẽ đánh giá qua thái độ, hành vi, chứ không thể phân xử, thưởng phạt bằng tư tưởng hay tâm tính người khác (khi mà nó chưa lộ diện ra ngoài).
Group coi trọng thái độ, thì chắc chắn cũng coi trọng tâm tính (vì qua thái độ thường thể hiện tâm tính), nhưng như trên đã nói, tâm tính không thể nhận diện cho đến khi nó bộc lộ bằng thái độ (attitude) và cụ thể hóa bằng hành vi (behaviour)…
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các chuyên gia hàng đầu thế giới đều nói năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng, và thái độ mà không hề nói đến tâm tính. Và thái độ chính là sự lựa chọn của mỗi người sao cho phù hợp với môi trường, con người, bối cảnh, luật lệ…
Theo bản năng, con người là một loài thú (với đầy đủ bản năng của loài thú), nhưng khi sống trong một xã hội, một cộng đồng bị chi phối bởi văn hóa, nguyên tắc, giá trị, tập tục, lề thói…, và nhất là luật pháp có sức răn đe, con người buộc phải có thái độ phù hợp, không thể sống theo bản năng.
Và thái độ phù hợp cũng là một phần của một tâm tính hướng thiện! Ai đồng ý không?
—-
PS: (1) Anh “Trum” thay đổi thái độ liên tục với các nước tùy theo bối cảnh thế giới, trong nước, và dụng ý riêng của anh ấy, trong khi tâm tính của anh ấy vẫn vậy!
(2) Có câu: ” Tính cách (hay tâm tính) của tôi nói lên con người tôi; còn thái độ của tôi phụ thuộc vào con người bạn”. Tuy nhiên, quan sát thái độ nhiều lần, nhiều nơi, nhiều lúc, có thể suy đoán được tâm tính. Còn nếu con người không bày tỏ thái độ gì, cứ ngồi yên như pho tượng nhắm mắt, thì không ai có thể đoán được tâm tính!
Tác giả: Nguyễn Hữu Long – Founder Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !