VÍ THỬ ĐƯỜNG ĐỜI BẰNG PHẲNG CẢ

Chiến lược quan trọng là vì nó được hoạch định cho đường dài, hướng tới mục tiêu LỚN và DÀI HẠN trong môi trường kinh doanh đầy biến động và luôn biến động. Chiến lược thành công hay thất bại là ở chỗ, mặc dù môi trường kinh doanh biến động và khó đoán, khó lường, nhưng người có năng lực hoạch định chiến lược, vẫn biết cách lựa chọn cho mình con đường đi ưu việt hơn các đối thủ để đi.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu từng có hai câu thơ để đời:”Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có ai hơn”.

Nếu môi trường kinh doanh luôn ổn định, bằng phẳng, dễ đoán, dễ lường (điều này chỉ có trong tưởng tượng) thì không chỉ có doanh nghiệp của bạn thuận lợi mà doanh nghiệp của đối thủ cũng vậy. Khi đó, công cuộc cạnh tranh có khi còn khó khăn hơn vì bạn làm gì cũng bị đối thủ “bắt bài” và năng lực của bạn khó mà vượt trội so với đối thủ.

Môi trường cạnh tranh đã, đang, và sẽ luôn biến động, không chỉ vì các yếu tố vĩ mô mang tính toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu…, mà còn vì vô số các yếu tố vi mô khác, như đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện, thói quen và xu hướng tiêu dùng thay đổi, chi phí sản xuất tăng cao, sự yếu kém trong quản lý vận hành doanh nghiệp…

Bạn đang kinh doanh một quán cà phê “một mình, một chợ” ngon lành ở một địa điểm đông khách. Bỗng nhiên một ngày có thêm một quán, rồi hai, ba quán cà phê khác mọc lên gần đó. Các quán này được trang trí đẹp hơn, mặt bằng rộng hơn, cà phê ngon hơn, phục vụ chuyên nghiệp hơn… Đó chính là biến động bất ngờ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của bạn. Và ở bất kỳ thời đại nào, khi kinh doanh, bạn luôn gặp những yếu tố bất ngờ kiểu như thế và tương tự như thế xuất hiện, chứ không phải chỉ trong những năm gần đây như người ta cố tình phóng đại nó lên. Thực tế, ngày nay kinh doanh thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều!

Chính vì những yếu tố bất thường, cũng như đường đời không bao giờ bằng phẳng, người ta mới cần đến chiến lược để cạnh tranh, và thắng thua phần lớn được quyết định bởi năng lực hoạch định và thực thi chiến lược.

Trong bối cảnh “hỗn mang” muôn thuở (chứ không phải chỉ bây giờ), ai có năng lực tư duy và năng lực hành động tốt hơn, người đó sẽ chiến thắng. Chiến lược chính là sức mạnh của năng lực tư duy, thực thi chính là sức mạnh của năng lực hành động.

* Đừng trông chờ vào một môi trường kinh doanh ổn định, bất biến mới làm chiến lược (điều này là không tưởng) . Hãy nâng cao năng lực tư duy và năng lực hành động của mình để CHỌN ĐÚNG ĐƯỜNG và ĐI ĐÚNG CÁCH trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó đoán định, không chắc chắn (vì nó luôn vậy). Hãy nhớ lại 2 câu thơ: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng, hào kiệt có ai hơn”! Chúc bạn thành công!

Tác giả: Thầy Nguyễn Hữu Long – Founder Group PTDNV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !