BÀI 9: ĐIỀU KIỆN ĐỦ ĐỂ LÀM CHỦ MỘT DOANH NGHIỆP (phần 2)

BÀI 9: ĐIỀU KIỆN ĐỦ ĐỂ LÀM CHỦ MỘT DOANH NGHIỆP (phần 2)

(Phần này chủ yếu là lý thuyết mang tính hàn lâm nên khi đọc bạn sẽ thấy thiếu lửa. Nhưng đọc và ngẫm kỹ nó sẽ rất có ích cho bạn ).

Thứ 6: Rõ ràng, phân minh, một núi không thể có hai hổ.
Tôi có ông anh bạn kinh doanh thực phẩm được vài năm, sau khi đứa em ra trường thì về làm cùng. Lúc này ông bố mới cho thằng em 600tr để góp cổ phần vào công ty, ông em không biết gì nhưng giờ cũng là một cổ đông, được tham gia vào các quyết sách của công ty. Bên cạnh đó ông bố ở quê hàng ngày cũng gọi điện dặn ông anh làm ăn phải thế này rồi thế kia, phải đối xử với chú em thế này thế nọ… Từ đó ông bố bỗng nhiên trở thành Giám đốc điều hành của Công ty, chỉ đạo mọi việc lớn nhỏ, từ đó công ty bỗng chốc có 3 ông giám đốc quyền hành ngang nhau. Người xưa có câu “một núi không thể có hai hổ’’ nhưng núi này có 3 hổ nhưng lại không có hổ đầu đàn. Doanh nghiệp có 3 chân nhưng chụm thành một chân chứ không phải 3 chân dạng ra làm 3 trụ cột. Lúc đó tôi khuyên rất nhiều nhưng ông anh vì không muốn làm đứa con bất hiếu, thằng anh lạnh lùng nên cứ để mọi việc theo tự nhiên. Không bao lâu sau thì công ty đó viên tịch và tạo cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim LONG HỔ TRANH HÙNG.
Nếu trong công ty bạn có nhiều cổ đông cùng góp vốn thì phải phân công rõ vài trò, quyền hạn, nhiệm vụ và lương thưởng ngay từ đầu. Nếu không sau một thời gian nếu làm ăn được sẽ bắt đầu tranh giành quyền lợi. Ông kỹ thuật sẽ nói “Nếu tui không sản xuất ra hàng chất lượng mẫu mã đẹp thì ông bán được cho ai?’’; Ông bán hàng thì nói “Nếu tui không lăn xả đi bán hàng thì mấy ông có mà cạp đất’’; Còn ông kế toán sẽ nói “Nếu tui không giỏi cân đối thu chi thì mấy ông có mà ăn mày’’… và thế là đánh nhau khi nào công ty sụp đổ mới thôi. Những trường hợp này cũng sẽ thường gặp ở những công ty gia đình, cty hai vợ chồng làm cùng…
Nếu không rõ ràng, phân minh tôi đố doanh nghiệp của bạn vận hành được và chắc chắn doanh nghiệp của bạn sẽ mãi không thể lớn vì suốt ngày chỉ lo nghĩ cách tranh giành quyền lợi thay vì nghĩ cách đưa công ty phát triển. Ngoài ra, xui cho ai đi làm mà rơi vào phải những công ty thế này. Ai cũng là sếp, ai cũng chỉ đạo nhưng khi đụng chuyện không ai dám quyết.

Thứ 7: Phải có một tấm lòng chia sẻ và biết tạo động lực.
Nếu kinh doanh mà bạn chỉ biết đến tiền, tiền và tiền thì chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ có tiền và cả đời bạn sẽ làm nô lệ cho đồng tiền. Hãy chia sẻ cho đội ngũ của mình và cộng đồng một phần lợi nhuận của doanh nghiệp.
TGG đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng đội ngũ, phát triển đội ngũ kế thừa, tôi luôn cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp trong công ty, chính vì vậy Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của chúng tôi Tang Mike mới sinh năm 1992 và Phú Cường chi nhánh Hà Nội mới sinh năm 1994. Tôi luôn hứa rằng, nếu bạn nghỉ TGG và ra mở cty VPP, bảo vệ, máy in, nội thất… thì TGG sẽ là khách hàng đầu tiên của các bạn. Còn về hoạt động cộng đồng thì rất nhiều, tôi không tiện đề cập ở đây.

Thứ 8: Phải chấp nhận đánh đổi.
Tôi có một anh bạn ngày trước làm tín dụng ngân hàng, song song đó anh làm phân phối hàng tiêu dùng nhỏ lẻ. Nhận thấy anh mê kinh doanh và tốt bụng nên tôi hỗ trợ anh rất nhiều trong việc xây dựng một công ty phân phối hàng tiêu dùng ở Phú Quốc, sau 01 năm doanh số đạt 500tr/ tháng. Tôi bảo anh nghỉ ngân hàng đi và dành toàn lực cho công ty thì anh không chịu vì tiếc khoản thu nhập đang có ở ngân hàng. Anh nói anh sẽ điều hành từ xa, cuối mỗi tuần bay ra đó để kiểm tra, giám sát. Tôi nói, nếu anh duy trì trạng thái này thì công ty sẽ khó khăn và nguy cơ phá sản rất cao. Duy trì được gần 03 năm thì anh phá sản và ôm theo khoản nợ hơn 1 tỷ, bị các NCC dí nợ nên nghỉ luôn công việc ngân hàng. Đến giờ hơn 2 năm khoản nợ của anh còn chưa trả hết, trong đó có cả nợ của tôi.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khác coi việc làm kinh doanh là nghề tay trái, là cái để kiếm thêm. Suy nghĩ này không sai nhưng doanh nghiệp của bạn chắc chắn không lớn được, thậm chí tiền mất tật mang. Bạn hành xử với nó như thế nào, bạn dành thời gian và tâm huyết cho nó như thế nào thì thành quả bạn thu được cũng chỉ được có vậy.. Nhiều người làm kinh doanh nhưng vẫn muốn được ăn ngon, ngủ kỹ, tuần 7 ngày ăn cơm tối ở nhà, cuối tuần cả gia đình đi chơi… Rất khó để vẹn toàn. Đã dân thân vào kinh doanh bạn phải hy sinh về thu nhập trước mắt, cuộc sống, gia đình, bạn bè…

Thứ 9: Luôn mỉm cười và suy nghĩ tích cực.
Nhiều bạn thấy mấy ông doanh nhân lúc nào cũng phơi phới, bảnh bao cười nói nên bị cuốn hút và lao vào khởi nghiệp vì nghĩ làm doanh nhân sướng quá. Thực tế bên trong nó không phải vậy, đa số các doanh nhân trong lòng lúc nào cũng sóng gió, lúc nào cũng ngổn ngang nhiều suy nghĩ, giằng xé bởi nhiều vấn đề quyết hay không quyết, lớn hay nhỏ, giữ nguyên hay mở rộng?… Nhưng đó là công việc, một khi đã dẫn thân thì phải chấp nhận, trong lòng thế nào không biết nhưng khuôn mặt lúc nào cũng phải mỉm cười. Một ông doanh nhân mà suốt ngày ủ rũ, than thân trách phận, than khổ thì công ty của anh ta chắc chắn không thể lớn được và đội ngũ của anh ta cũng không ai ra hồn cả.

Thứ 10: Luôn mang trong mình lòng biết ơn.
Kinh doanh hay làm bất kỳ việc gì bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, lao động cần mẫm thì chúng ta luôn cần may mắn song hành. Vì vậy hãy biết ơn cuộc đời vì mỗi ngày mình còn sống, cảm ơn cuộc đời đã cho mình đầy đủ tay chân, mắt sáng, đầu tròn để lao động. Hãy biết ơn người thân, bạn bè, thầy cô, vợ/ chồng luôn đồng hành với bạn. Hơn ai hết, lúc bạn khởi nghiệp, khó khăn bủa vây thì đây là những người bạn dễ nhờ vả nhất. Và tất nhiên phải cảm ơn bậc sinh thành đã cho mình cuộc sống và được học hành để có kiến thức mà khởi nghiệp. Cuối cùng, hãy chia sẻ với đội ngũ của mình, đừng nghĩ rằng bạn cho họ việc làm nên họ phải biết ơn bạn, chính bạn phải cảm ơn họ vì đã đến và gắn bó với công ty, nếu không có họ thì một mình bạn có làm được không? Nếu không có họ thì cty bạn mãi là Cty TNHH MỘT THÀNH VIÊN. Đặc biệt nhất, bạn phải biết ơn khách hàng của mình, vì chính khách hàng đã mang lại cho bạn tất cả. Hãy đối xử tử tế với khách hàng của mình, hãy xem họ là sinh mạng của mình, chăm sóc khách hàng hơn cả chăm sóc bản thân.

Vì lòng biết ơn, mỗi đồng tiền làm ra phải được tôn trọng, mỗi đồng tiền kiếm được chúng ta phải nhân bản và chia sẻ nó cho những người xung quanh. Chính lòng biết ơn sẽ làm cho chúng ta bớt tham lam hơn, đội ngũ của chúng ta sống và làm việc có trách nhiệm hơn.

Hãy thả tym và còm men để tôi biết bạn vẫn còn hứng thú đọc các bài tiếp theo. Và nếu hữu ích thì tag thêm bạn bè, biết đâu giúp được ai đó!
Hãy bấm nút theo dõi trang của tôi và chọn XEM ĐẨU TIÊN tại https://www.facebook.com/mquocbinh để đọc các bài tiếp theo sớm nhất nhé.
Bài 10 sẽ là “Áp dụng các bài 1 đến 9 như thế nào?”. Bài này tôi sẽ viết một cách chi tiết cách áp dụng các bài viết trong series này. KHI NÀO BÀI 9 CÓ 900 LƯỢT TƯƠNG TÁC (like, share, comment…) thì sẽ viết tiếp bài 10.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !