Câu chuyện tô bún và bài học kinh doanh

Mấy hôm nay, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh một quán bún niêm yết thông báo xin bớt một con tôm để giữ nguyên giá bán, do chi phí nguyên liệu tăng cùng với sự tăng của giá xăng, giá điện, ga… Nhiều người xem đó là giải pháp tốt – giảm chất lượng SPDV để giữ nguyên giá.

Về mặt nào đó, tôi đánh giá cao hành động niêm yết công khai của chủ quán – xin giảm chất lượng (bớt một con tôm) để giữ nguyên giá; tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng cách đó về lâu dài sẽ không ổn. Vì sao như vậy?

Tôi từng đến ăn và chứng kiến nhiều hàng quán ăn uống, bao gồm cả nhà hàng sang trọng lẫn quán bình dân đang rất đông khách, bỗng ngày càng thưa thớt rồi vắng hẳn, phải đóng cửa.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là chất lượng sa sút so với ngày đầu. Nguyên liệu thực phẩm bị nhà hàng, quán ăn cắt xén bớt. Các tô phở, bún, hay các đĩa thức ăn vẫn bày biện đẹp, giá không tăng, nhưng bị “rút ruột” dần dần thịt, cá, tôm… và những nguyên liệu đắt tiền, và “chêm” vào đó rau, củ, quả rẻ tiền. Khách hàng dần bỏ, đi tìm nơi khác.

Không riêng gì hàng quán ăn uống, mà các loại SPDV khác cũng vậy, nếu lúc đầu đưa ra thị trường, người bán cam kết chất lượng ở mức A, mà dần dần vì lý do nguyên vật liệu tăng giá rồi rút xuống còn mức B thấp hơn A, thì dù có giải thích thế nào, khách hàng cũng ít khi chấp nhận.

Vậy làm cách nào?

Theo kinh nghiệm của tôi, nên làm NGƯỢC LẠI, là giữ nguyên chất lượng, và khẳng định với khách hàng là dù giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá trên 10% (ví dụ vậy), chúng tôi vẫn kiên quyết không giảm chất lượng, thậm chí còn cố cải thiện để đạt mức chất lượng cao hơn có thể, và cố gắng giữ nguyên giá, hoặc chỉ xin điều chỉnh ở mức cao hơn chút xíu (3 – 5% chẳng hạn), thấp hơn tỷ lệ tăng giá của NVL đầu vào!

Tôi tin bằng cách xin điều chỉnh tăng giá ở mức vừa phải và giữ nguyên hoặc tăng thêm chút ít chất lượng, khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Một tô bún 30.000, có thể xin tăng thành 32.000 (tăng 7%) có thể được xem là mức tăng không đáng kể, và khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn là giảm chất lượng 7-10%!

Trong tư cách người bán, lẫn người mua, bạn nghĩ về đề xuất “ngược dòng” của tôi?

* PS: Cũng cần lưu ý, nguyên vật liệu thường chiếm tỷ trọng không lớn lắm trong giá thành sp, đặc biệt là các sp cao cấp mắc tiền! Vì vậy thay vì bớt, hãy tăng chất lượng một ít và xin tăng giá một ít!

–ST– từ bài viết của anh Long Nguyen Huu – Group PTDNV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !