DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ SIÊU NHỎ QUAN TÂM GÌ?
(Tôi nói ngược đời. Nếu bạn đồng ý, share tự do!)
Nhiều người bảo DN khởi nghiệp và DN nhỏ hãy lo mà đi bán hàng, đừng nghĩ gì cao siêu cả. Các thầy dạy khởi nghiệp cũng không ít thầy dạy vậy – bán hàng để tồn tại, sống sót, rồi mới nói đến chuyện phát triển. Tất nhiên, những người nói vậy và dạy vậy ắt có lý do nào đó. Nhưng tôi thì có cách nhìn rất khác!
DN dù là nhỏ hay siêu nhỏ, việc đầu tiên KHÔNG PHẢI LÀ ĐI BÁN HÀNG. Trước hết chủ doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều ngày để suy nghĩ, thậm chí phải suy nghĩ trước khi lập doanh nghiệp, và tiếp tục suy nghĩ lại lần nữa sau khi đã cầm giấy phép thành lập DN trên tay:
1. DN mình ra đời nhằm mục đích gì, phụng sự ai, sẽ hoạt động trong lĩnh vực gì, đem lại giá trị gì?
2. Ước mơ, hoài bão của mình là gì, chỉ là một xe bánh mì kiếm cơm qua ngày ở khu vực Cầu Ông Lãnh, hay thành chuỗi quán bánh mì bán khắp thành phố, hay một tập đoàn thức ăn nhanh vươn ra toàn cầu?
3. DN mình sẽ hoạt động theo các nguyên tắc nào, kim chỉ nam nào, triết lý kinh doanh nào?
Vì sao cần phải suy nghĩ kỹ 3 mục này? Vì chính việc trả lời một cách cẩn trọng 3 mục này sẽ giúp cho chủ doanh nghiệp định hình được hoạt động kinh doanh của mình để không phải “nhảy lung tung”, và có những chiến lược lâu dài cho nó. Mục 1 chính là sứ mệnh (Mission); mục 2 chính là tầm nhìn (Vision); mục 3 chính là hệ giá trị cốt lõi (Core Values) của doanh nghiệp. Sứ mệnh là để theo đuổi trong lâu dài, tầm nhìn là để vươn tới, giá trị cốt lõi là nền móng, là kim chỉ nam, là phương châm cho mọi hoạt động và cách hành xử của DN. Không có những thứ tiền đề này (cho dù chúng có được viết ra hay không), chủ DN không thể vạch chiến lược cho DN. Mà không có chiến lược thì không thể đi bán hàng linh tinh mà giành thắng lợi được.
Bán gì, bán cho ai, bán ở đâu, bán giá nào, giá trị nào sẽ chuyển giao, chuyển giao như thế nào, làm thế nào để cạnh tranh, làm thế nào để chiến thắng…? Đó là những câu hỏi cơ bản nhất, mà dù DN siêu nhỏ hay tập đoàn cực lớn đều phải tự hỏi và tự trả lời trước khi đi bán hàng (chứ không phải sau khi!). Mà trả lời những câu hỏi này một cách cẩn trọng, chính là lập chiến lược! Cả chiến lược kinh doanh, chiến lược thương hiệu, chiến lược marketing… đều cần những câu hỏi tương tự như vậy. Bạn không thể bạ gì bán nấy, không thể gặp ai cũng mời mua, không thể giới thiệu linh tinh với khách hàng về sản phẩm của bạn. Bạn cũng không thể bán hàng không có bao bì, nhãn mác, hình ảnh minh họa, logo, màu sắc, thiết kế, thông điệp truyền thông… Kể cả khi bạn bán dịch vụ hay phần mềm, thì cũng cần catalogue, brochure, sales presentation…, và những thứ này cũng phải có thiết kế, màu sắc, logo, hình ảnh, thông điệp chỉn chu để giải thích cho khách hàng!
Chỉ có những người bán vé số dạo thì mới lang thang gặp ai cũng chào mời, mà không cần nghĩ gì. Tuy vậy, một người bán vé số (hay đánh giầy) có chiến lược, vẫn sẽ thành công hơn là người chỉ biết bán dạo mà không biết tính toán cách bán. Ngay cả người ăn mày cũng cần chiến lược nữa là. Các bạn từng nghe chiến lược ăn mày chưa? Và không ít người ăn mày giàu có hơn người không phải vì cứ lao ra đường đi ăn mày (theo kiểu cứ lao ra đường bán hàng như đã nói ở phần đầu bài viết), mà chính nhờ chiến lược ăn mày! Ai đồng ý không? Hãy cho biết quan điểm của bạn nhé!
Nguồn: tác giả Nguyễn Hữu Long – Founder Group PTDNV