“…Phỏng vấn một giám đốc tài chính (CFO) của một công ty kinh doanh thực phẩm chế biến về rủi ro tài chính, tác giả nhận được câu trả lời, liệt kê vài loại rủi ro “phổ cập” nhất như rủi ro tín dụng, lãi suất, tỷ giá, nợ xấu… Phỏng vấn đến CEO, câu trả lời cũng không thêm gì hơn. Không riêng gì công ty trên, rất nhiều CEO, CFO của nhiều công ty lớn của Việt Nam, khi được hỏi về các dạng rủi ro tài chính mà công ty có thể phải đối mặt, các câu trả lời cũng chỉ loanh quanh với vài loại rủi ro thông dụng nêu trên…”. Tình trạng này thực sự là một … rủi ro cho doanh nghiệp!
Bài viết của tôi gồm 3 phần chính: NHẬN DIỆN RỦI RO, PHÂN TÍCH RỦI RO và NGĂN NGỪA , XỬ LÝ RỦI RO.
QUẢN LÝ RỦI RO TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH
Rủi ro luôn rình rập khắp nơi trong môi trường kinh doanh. Rủi ro có thể là khách quan, tức luôn hiện diện sẵn, bất chấp ý chí chủ quan của doanh nghiệp; nhưng cũng có thể là chủ quan, do doanh nghiệp tự tạo ra cho mình chính từ ý thức khinh suất, coi thường quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Mặc dù có rất nhiều loại hình rủi ro khác nhau, rủi ro tài chính có thể được xem là “ông trùm” của mọi rủi ro, vì suy cho cùng, mọi rủi ro xảy ra đều dẫn đến thiệt hại về tài chính (trước mắt hay lâu dài) cho doanh nghiệp.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hầu như chỉ có các ngân hàng, định chế tài chính là ít nhiều chú trọng đến quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, còn hầu hết các doanh nghiệp khác, quản lý rủi ro, nói chung và quản lý rủi ro tài chính, nói riêng, đều không được quan tâm đúng mức. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính (gọi tắt là quản lý rủi ro tài chính).
NHẬN DIỆN RỦI RO TÀI CHÍNH
Phỏng vấn một giám đốc tài chính (CFO) của một công ty kinh doanh thực phẩm chế biến (không tiện nêu tên) về rủi ro tài chính, tác giả nhận được câu trả lời, liệt kê vài loại rủi ro “phổ cập” nhất như rủi ro tín dụng, lãi suất, tỷ giá, nợ xấu… Phỏng vấn đến CEO, câu trả lời cũng không thêm gì hơn. Không riêng gì công ty trên, rất nhiều CEO, CFO của nhiều công ty lớn của Việt Nam, khi được hỏi về các dạng rủi ro tài chính mà công ty có thể phải đối mặt, các câu trả lời cũng chỉ loanh quanh với vài loại rủi ro thông dụng nêu trên.
Có thể nói, rủi ro tài chính rất đa dạng và dạng nào cũng có thể dẫn đến hậu quả “chết người” đối với doanh nghiệp. Dưới đây là một số rủi ro liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động quản lý tài chính của các doanh nghiệp mà nhiều khi HĐQT / CEO / CFO không thấy hết, hoặc coi thường, hoặc bỏ qua, dẫn đến khi xảy ra, chỉ cần một trong số các trường hợp dưới đây, là doanh nghiệp đã có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm:
• Rủi ro pháp lý (ví dụ, nâng vống giá trị tài sản để vay vốn, che giấu lợi nhuận khi khai thuế, che giấu thông tin, báo cáo tài chính không trung thực…).
• Rủi ro tín dụng (ví dụ, chậm trễ trả nợ đến hạn nên bị ngân hàng cắt luôn, không cho vay nữa hoặc cho vay với điều kiện ngặt nghèo hơn).
• Rủi ro thanh khoản (ví dụ, do quản lý dòng tiền kém nên xảy ra thiếu hụt tiền mặt để thanh toán nợ đến hạn hoặc tài trợ cho các hoạt động quan trọng và khẩn cấp…).
• Rủi ro nợ xấu (ví dụ, bị khách hàng chây ì, lừa đảo, chiếm dụng vốn…)
• Rủi ro mua hàng (ví dụ, công ty ứng trước tiền nhưng nhà cung cấp không giao hàng, hoặc giao hàng sai chất lượng, số lượng…)
• Rủi ro thất thoát (ví dụ, bị nhân viên gian lận, tham ô, ăn cắp…)
• Rủi ro đầu tư và quản lý đầu tư (ví dụ, đầu tư kém hiệu quả, gây thua lỗ; quản lý đầu tư kém, gây thất thoát…)
• Rủi ro hợp đồng (ví dụ, hợp đồng thiếu chặt chẽ gây bất lợi về mặt nghiệm thu, thanh toán hay thu tiền…)
• Rủi ro giao dịch (ví dụ, có nhầm lẫn, sai sót trong giao dịch tài chính, gây thiệt hại)
• Rủi ro lãi suất (ví dụ, vay tiền với lãi suất thả nổi, khi lãi suất tăng cao bất thường, công ty thiệt hại nhiều)
• Rủi ro tỉ giá (ví dụ, biến động tỉ giá USD/VNĐ vừa qua gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ hoặc mua hàng theo giá USD)
• Rủi ro hệ thống quản lý tài chính
o Tạo lỗ hổng trong quản lý gây chiếm dụng, thất thoát tiền bạc;
o Quy trình, quy định bất hợp lý hoặc không được tuân thủ, gây ảnh hưởng đến việc thu, chi, quản lý hàng hóa, tài sản, tạo kẽ hở cho thất thoát tiền bạc, tài sản (ví dụ, quy trình chi thanh toán thiếu khâu đối chiếu, kiểm tra nên bị lợi dụng và chi sai).
o Quy trình ra quyết định bất hợp lý, kém hiệu quả, dẫn đến sai sót, thiệt hại về tài chính…
o Các bộ phận, cá nhân phối hợp kém, gây thiệt hại về tài chính
o …
• Rủi ro kiểm toán (ví dụ, bị xuất toán, công bố thông tin bất lợi…)
• Rủi ro giá cổ phiếu (ví dụ, bị đẩy giá, đè giá bất thường, gây nguy cơ bị thâu tóm)
• Rủi ro con người trong bộ phận tài chính (ví dụ, đạo đức kém, tiết lộ bí mật tài chính, thiếu năng lực, thiếu ý thức dẫn đến thiệt hại tài chính..)
• Rủi ro hoạch định tài chính (ví dụ, hoạch định dòng tiền sai, gây thiệt hại)
• Rủi ro báo cáo quản trị (ví dụ, báo cáo số liệu sai dẫn đến ra quyết định sai)
• Rủi ro chiến lược (ví dụ lựa chọn chiến lược đầu tư sai, gây hậu quả lớn)
• …
Và còn nhiều dạng rủi ro khác liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, không thể liệt kê hết ở đây. Những rủi ro trên có tính “thực tiễn” rất cao, và thực tế từng xảy ra trong ở nhiều doanh nghiệp, chứ không phải là những cụm từ chỉ có trên lý thuyết.
PHÂN TÍCH RỦI RO TÀI CHÍNH
Các rủi ro tài chính tuy rất đa dạng, nhưng mức độ nguy hại, tần suất xuất hiện lại rất khác nhau tùy thuộc vào từng ngành kinh doanh và đặc thù quản lý kinh doanh của từng doanh nghiệp. Không có công thức chung cho việc phân tích rủi ro cho mọi doanh nghiệp, nhưng có những nguyên tắc chung mà doanh nghiệp nào cũng cần phải lưu ý.
Để phân tích rủi ro, trước hết phải nhận diện và phân loại rủi ro. Việc nhận diện các loại rủi ro có thể có đối với từng doanh nghiệp có thể tham khảo ở phần trên, và có thể thêm hoặc bớt các loại hình rủi ro tùy thuộc vào ngành nghề và đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, các công ty chưa niêm yết và chưa lên sàn UPCOM có thể chưa cần quan tâm đến rủi ro giá cổ phiếu; các công ty không có các hoạt động liên quan hay bị ảnh hưởng bởi ngoại tệ có thể chưa cần quan tâm đến rủi ro tỉ giá. Và các công ty có hoạt động liên quan đến giá cả những mặt hàng mang tính toàn cầu như xăng dầu, vàng, sắt thép, cao su, gạo, bột mì… lại phải đưa thêm vào loại rủi ro hàng hóa, thường gọi là “commodity risk”.
Phân loại rủi ro có thể theo nhiều cách. Doanh nghiệp nên chọn cách phân loại nào đơn giản và phù hợp với hoạt động của mình. Ví dụ, có thể phân loại rủi ro tài chính theo cách đơn giản nhất là rủi ro bên trong và rủi ro bên ngoài. Rủi bên trong là những rủi ro chủ quan do chính doanh nghiệp tạo ra như rủi ro về chiến lược, hoạch định tài chính, báo cáo tài chính, rủi ro hệ thống, con người… Rủi ro bên ngoài là những rủi ro khách quan như tỷ giá, lãi suất, thay đổi luật pháp, chính sách tín dụng… Cũng có thể phân loại rủi ro tài chính theo đối tượng liên quan; ví dụ, đối với cơ quan chức năng (rủi ro pháp lý, rủi ro báo cáo); với ngân hàng (rủi ro tín dụng, lãi suất, giao dịch tài chính); với nhà cung cấp (rủi ro tỷ giá, giao dịch, hợp đồng); với khách hàng (rủi ro hợp đồng, nợ xấu); với đối tác (tỷ giá, hợp đồng, giá cổ phiếu…); với cơ quan kiểm toán (xuất toán, công bố thông tin bất lợi); với nội bộ bên trong (rủi ro hệ thống quản lý tài chính, con người…) …
Phân tích rủi ro tài chính là phân tích, đánh giá nguy cơ, khả năng xuất hiện và mức độ nguy hại của các rủi ro. Để tiến hành các phân tích này, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ phân tích cơ bản như cây phân tích, sơ đồ xương cá, biểu đồ Pareto… Trong phân tích rủi ro, rất quan trọng là những thông tin, dữ liệu đầu vào, bao gồm dữ liệu và kinh nghiệm quá khứ cùng với dự báo xu hướng cho giai đoạn trước mắt và tương lai xa hơn. Tuy vậy, quan trọng bậc nhất vẫn là nhận thức sâu sắc của ban lãnh đạo về tính chất nguy hại của các rủi ro từng xảy ra hay đang tiềm ẩn và tầm quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro.
Một số vụ việc lùm xùm vừa qua ở các ngân hàng Việt Nam là do xem thường phân tích rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý (nghĩ là nó không thể xảy ra), dẫn đến những vi phạm về mặt pháp lý trong hoạt động hay khi thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng. Một ví dụ khác về một trường hợp do không phân tích rủi ro nên một công ty lớn (không tiện nêu tên), mặc dù đang hoạt động bình thường vẫn gặp rủi ro tín dụng khi bị ngân hàng siết chặt các khoản vay chỉ vì công ty này có các công ty con làm ăn thua lỗ, tai tiếng triền miên.
NGĂN NGỪA VÀ XỬ LÝ RỦI RO TÀI CHÍNH
Những rủi ro về tỷ giá, lãi suất, giá cả thị trường có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng các công cụ tài chính phái sinh (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi…). Những rủi ro hệ thống có thể được ngăn ngừa bằng cách xây dựng, rà soát, hiệu chỉnh tất cả các chính sách, quy định, quy trình liên quan đến lĩnh vực tiền, hàng, tài sản, vật tư…, bịt kín các lỗ hổng trong các giao dịch, thu, chi, xuất nhập hàng hóa… Những rủi ro liên quan đến con người có thể được ngăn ngừa từ khâu tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, giáo dục ý thức kỷ luật, khơi gợi lòng chính trực… song song với các biện pháp kiểm soát quá trình, kiểm soát chéo, kiểm tra đột xuất, định kỳ…
Bên cạnh các biện pháp ngăn ngừa rủi ro, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các hoạt động xử lý rủi ro. Xử lý rủi ro là tập hợp các hoạt động nhằm ứng phó với một hay nhiều rủi ro đã xảy ra, mà về bản chất là xử lý một sự cố hay một tình huống khủng hoảng tùy theo mức độ nguy hại. Để xử lý rủi ro một cách chuyên nghiệp, tránh bị động, lúng túng, thậm chí hoảng loạn, các doanh nghiệp cần xây dựng sẵn các kịch bản (scenario) và quy trình (procedure) xử lý rủi ro. Tất nhiên, doanh nghiệp không thể lường hết các khả năng xảy ra rủi ro nên cũng không thể chuẩn bị sẵn mọi kịch bản cho mọi tình huống. Tuy vậy, với cách thức nhận diện, phân loại, phân tích, đánh giá các rủi ro như đã nêu trên, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng nhận biết những rủi ro nào thực sự là mối nguy (threat), có thể đe dọa đến “sức khỏe” hay “tính mạng” doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với rủi ro thanh khoản, doanh nghiệp có thể chuẩn bị vài kịch bản ứng phó theo các mức độ “vàng”, “cam”, “đỏ” tương ứng với các mức độ “có vấn đề”, “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Xử lý rủi ro thanh khoản có thể sử dụng các kịch bản huy động tiền mặt từ việc bán rẻ một tài sản nằm trong kịch bản, mượn tạm tiền của các cổ đông chính, hay vay nóng với lãi suất cao tiền của một đối tác nằm trong kịch bản định sẵn.
Tóm lại, rủi ro tài chính tuy có đặc thù riêng, nhưng có thể nói là bao trùm lên mọi loại rủi ro. Một khi đã biết “đồng tiền đi liền khúc ruột” hay “ dòng tiền như dòng máu” thì rủi ro tài chính là loại rủi ro dễ làm “đứt ruột” và “chảy máu” nhiều nhất. Quản lý rủi ro tài chính là hoạt động quan trọng nhằm bảo vệ cơ thể doanh nghiệp khỏi những “thương tích” trầm trọng có thể gây “chết người” trong tích tắc, khác với những rủi ro khác như bệnh tật có thể kéo dài.
Và, một lời khuyên chân thành từ tác giả bài viết, chớ nên tiếc tiền cho một bộ phận hay một nhân sự chuyên về quản lý rủi ro tài chính trong cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp.
Tác giả: Nguyễn Hữu Long – Founder Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt