Nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia, đòi hỏi chất lượng các sp bán tại VN phải tương đương với chất lượng SP bán tại các nước phát triển. Họ cho rằng nếu đem bán những SP kém chất lượng cho thị trường VN là “phân biệt đối xử” và lừa dối người tiêu dùng (!?). Tôi rất hiểu và đồng cảm với những bức xúc của họ, nhưng ở góc độ người làm marketing và branding, đồng thời cũng là NGƯỜI TIÊU DÙNG, tôi muốn đưa ra một góc nhìn khác!
Bạn biết đấy, từ bia, rượu, thuốc lá, đến ô tô, hàng điện, điện tử, trái cây, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến đều có sự chênh lệch về chất lượng giữa thị trường các nước kém phát triển, đang phát triển, và đã phát triển. Và ngay trong cùng một nước, chất lượng hàng hóa tiêu thụ ở thành thị cũng chênh lệch so với hàng hóa tiêu thụ ở nông thôn
Một chiếc Toyota Camry sản xuất và tiêu thụ tại Mỹ có chất lượng hoàn toàn khác với chiếc Toyota Camry sản xuất và tiêu thụ tại thị trường VN. Bia “ken” hay thuốc lá “ba số” cũng vậy. Rồi hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng (như tủ lạnh, ti vi, quạt, điều hòa, nồi cơm điện), các loại công cụ, dụng cụ, dao, kéo, thìa muổng, thực phẩm chế biến, rau quả… cũng vậy, chất lượng luôn chênh lệch giữa các thị trường.
Điều này HỢP LÔ GIC vì nó đáp ứng đúng nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng, và nằm trong tiêu chuẩn cho phép của nước sở tại hoặc theo chuẩn quốc tế được thừa nhận. Ngay cả trong phạm vi các nước phát triển, nhiều mặt hàng được phép lưu hành ở Mỹ, nhưng lại bị cấm ở Nhật, châu Âu, và ngược lại (lý do là vì tiêu chuẩn các nước ấy cũng khác nhau).
Tại một buổi hội thảo offline của Group PTDNV, tôi từng nói, kinh doanh sản phẩm chất lượng thấp (hay kém) không đồng nghĩa với việc lừa dối người tiêu dùng, miễn là người bán phải công bố đúng chất lượng, và phải được phép kinh doanh. Và thực tế, nhiều thương hiệu toàn cầu có chất lượng sp thấp (so với các SP của đối thủ cạnh tranh) vẫn bán tốt, thậm chí còn có giá trị thương hiệu (brand value) cao hơn giá trị thương hiệu của những SP của đối thủ cạnh tranh được cho là cao cấp hơn (ví dụ thương hiệu Toyota có giá trị cao hơn thương hiệu Mercedes). Đơn giản là vì chất lượng PHÙ HỢP với nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng; và với điều kiện nhà sản xuất KHÔNG CÔNG BỐ LỪA DỐI về chất lượng sản phẩm.
Bạn biết đấy, những loại quần áo “sida” hay thịt cá, rau quả có chất lượng thấp hoặc rất thấp vẫn được giới công nhân, người lao động thu nhập thấp của VN và các nước khác tiêu thụ rất mạnh. Nếu bán cho họ những SP có chất lượng cao hơn với giá cao hơn, họ sẽ không mua vì nhu cầu và khả năng chi trả của họ chỉ có chừng ấy. Vậy nên, nếu đòi hỏi tất cả các loại SP tiêu thụ ở thị trường VN đều phải có chất lượng tương đương với SP tiêu thụ ở thị trường các nước phát triển là điều không tưởng, vì khi đó, sẽ không có nhiều người đủ tiền mua chúng, và các nhà sx trong nước với trình độ công nghệ không cao cũng không thể sản xuất ra các sp đạt chuẩn các nước tiên tiến (chẳng lẽ doanh nghiệp Việt giải thể hết?)
Lẽ đương nhiên, chất lượng thấp cũng sẽ ít nhiều đi đôi với mức an toàn thấp hơn (ví dụ, mũ bảo hiểm vài chục hay vài trăm ngàn không thể an toàn bằng mũ bảo hiểm có giá hàng triệu đồng; xe ô tô có 2 hay 4 túi khí ở VN không thể an toàn bằng xe có 6, 8, 10 túi khí ở nước ngoài; cá, tôm, trái cây tiêu thụ ở VN không thể an toàn bằng cá, tôm, trái cây xuất khẩu sang Nhật, Mỹ…). Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ về an toàn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường nội địa, nhưng quả thật, khi đã đòi hỏi giá rẻ thì cũng khó có thể đòi hỏi hàng hóa phải có chất lượng cao như ở các nước phát triển.
Tôi luôn nói không có sản phẩm tốt/xấu, chỉ có SP phù hợp hay không phù hợp mà thôi! Hãy chọn sp phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình, chứ không thể đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng ngang bằng cho mọi thị trường, mọi đối tượng tiêu dùng. Nếu đòi hỏi vậy, hầu hết các công ty sản xuất VN, từ công, nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều sẽ ĐÓNG CỬA vì không thể sx ra sp đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển! Bạn biết đấy, ngay một trái xoài, một trái thanh long cũng phải khó khăn thế nào để “lọt” vào thị trường Mỹ!
* PS: Riêng bài này, tôi rất mong mọi người cho ý kiến – đồng ý hay không đồng ý, tại sao nhé! Chú ý nêu quan điểm chung, lập luận chung, đừng xoáy vào trường hợp cá biệt nào. Thank you!
** Cá nhân tôi, khi ít tiền, chấp nhận mua dùng xe máy, ô tô, hàng điện, điện tử, thực phẩm, đồ uống chất lượng thấp, an toàn thấp; khi vợ cho nhiều nhiều tiền chút (tiền nhiều để làm gì?) thì mình mua dùng hàng nhập ngoại, cao cấp hơn, an toàn hơn. Âu cũng là lẽ công bằng!🙂
Long Nguyen Huu – Group PTDNV