Thiết lập KPI cho các cá nhân có khó không?
Không khó lắm đâu! Tất nhiên, KPI mỗi năm mỗi khác, do có những ưu tiên khác nhau, và phải gắn kết với mục tiêu của cấp trên. Tuy vậy, có một cách để thiết lập KPI cho mỗi chức danh khá hiệu quả là dùng chính BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC của chức danh đó (ví dụ, nhân viên bảo vệ) để làm căn cứ thiếp lập KPI.
Trong bản MTCV, hãy chọn ra khoảng 5 nhóm công việc quan trọng nhất (ví dụ, ngăn ngừa trộm cắp, phòng chống cháy nổ, bảo vệ tài sản, giữ xe cho khách hàng…). Mỗi nhóm công việc này được gọi là một KPA (Key Performance Area – tạm dịch là “vùng hoạt động chủ yếu”). Đó là trả lời câu hỏi phải làm gì (What to do?). Đối với mỗi nhóm công việc, hãy tự đặt câu hỏi “Phải làm tốt mức độ nào?” (How well to do it?). Khi trả lời câu hỏi này, bạn sẽ có KPI của nhóm công việc đó.
Ví dụ, đối với nhóm công việc (KPA) ngăn ngừa trộm cắp, câu trả lời cho câu hỏi “phải làm tốt mức độ nào” là phải làm tốt đến mức độ không để xảy ra bất kỳ vụ trộm cắp nào có giá trị trên 1 triệu đồng trong năm. Khi đó KPI cho nhóm công việc ngăn ngừa trộm cắp là zero vụ trộm cắp gây thất thoát trên 1 triệu đồng trong năm.
Cứ lần lượt đặt câu hỏi và trả lời cho tất cả 5 nhóm công việc quan trọng nhất, bạn sẽ có 5 KPI cho chức danh NV Bảo vệ. Các KPI này cần được thống nhất với cấp trên và đưa vào văn bản KPI một cách chính thức.
Hãy làm vậy cho mọi chức danh trong công ty, bạn sẽ có KPI của tất cả các chức danh! Khó hay dễ các bạn?
Nguồn: tác giả Nguyễn Hữu Long (Founder Group PTDNV).