Văn hóa doanh nghiệp – phú quý sinh lễ nghĩa?

Dear Mr CEO
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình vì sao kết quả kinh doanh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” hờ hững với những nỗ lực không ngơi nghĩ của bạn?

Thị trường đầy tiềm năng, sản phẩm bạn tuyệt vời, bạn quảng cáo rầm rộ, bạn treo thưởng cao cho nhân viên, bạn xông pha mọi chốn, mọi nơi. Vậy mà nữa đêm thức giấc “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” bạn thấy rằng kết quả tỷ lệ nghịch với nỗ lực. Bạn nhận ra rằng nhân viên, đồng nghiệp, cộng sự không cùng chung nhịp chèo. Đau đớn hơn nữa khi kẻ chèo tới, người lại chèo lui, kẻ tát nước, người đục thuyền. Con thuyền doanh nghiệp chất đầy thủy thủ không cùng cánh chèo.

Đó chính là lúc bạn hiểu rằng “phần hồn” – niềm tin, thái độ và cách hành xử – quan trọng đến dường nào so với “phần xác” – sản phẩm, chiến lược, cơ cấu tổ chức, quy trình v.v. Đó chính là lúc bạn chạm vào “nội tâm” của tổ chức với “văn hóa doanh nghiệp”.

Văn hóa doanh nghiệp ư? Bạn vẫn cho rằng “không mợ thì chợ vẫn đông” không có nó bạn vẫn sống được. Bạn dồn công sức lo cho miếng cơm manh áo còn thời gian đâu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, văn hóa doanh nghiệp là câu chuyện của các gã “no cơm ấm cật” chỉ làm giàu cho mấy ông tư vấn buôn nước bọt. Bạn chẳng thấy nó tròn méo ra sao.

Nhưng bạn ơi, những gì bạn không thấy không có nghĩa là không có, huống hồ chi nó lồ lộ trước mắt bạn hằng phút, hằng giờ!

Khi bạn thấy nhân viên thường xuyên cáu gắt với khách hàng thì đó chính là văn hóa coi thường khách hàng. Khi bạn thấy nhân viên thường xuyên cãi nhau như chó với mèo thì đó là văn hóa đổ lỗi, đùn đẩy.

Khi bạn thấy nhân viên thường đi sớm về trễ thì đó là văn hóa tận tụy. Khi bạn thấy nhân viên chất vấn nhau tại sao không làm tốt hơn cho khách hàng thì đó là văn hóa phục vụ khách hàng.

Một cách đơn giản, văn hóa doanh nghiệp chính là những gì mà ĐA SỐ nhân viên của bạn tin và THƯỜNG XUYÊN hành xử . Trong đó niềm tin quyết định mọi thứ, tuy không thấy nhưng lại dễ nhận biết thông qua thái độ và cách hành xử. Hãy chăm chú quan sát thái độ và hành động thường xuyên của đa số nhân viên, bạn sẽ biết được văn hóa doanh nghiệp của mình.

Như vậy dù bạn có ý thức xây dựng hay không, doanh nghiệp của bạn có văn hóa của mình. Nhưng bạn chẳng quan tâm ngó ngàng, vun trồng vì thế nó như cây hoang dại, đâm chồi rẽ nhánh tứ phía thì trách sao nhân viên, cộng sự, đồng nghiệp không cùng chèo một hướng. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, bạn gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Bây giờ nhiệm vụ của bạn là xây dựng, vun trồng văn hóa doanh nghiệp của mình một cách có ý thức.

Như 2 mặt của đồng xu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vừa dễ mà vừa khó. Khó bởi vì xây dựng văn hóa như trồng cây bonsai, bạn phải thường xuyên uốn nắn, chăm cành tỉa nhánh trong suốt thời gian dài để tạo nên hình thù và thổi hồn vào nó. Dễ bởi vì bạn chỉ cần làm theo những gì bạn thật sự tin.

Vậy làm thế nào để xây dựng cây bonsai văn hóa doanh nghiệp như bạn muốn?

– BẮT ĐẦU TỪ HẠT GIỐNG – KHÁT VỌNG CHIẾN THẮNG: Khi ươm một hạt giống, bạn chắc chắn phải biết mình trồng cây gì. Bạn đã mường tượng hình thù nó ra sao. Tương tự như vậy trong kinh doanh, bạn phải định nghĩa được chiến thắng của mình là gì. Văn hóa của doanh nghiệp phải gắn kết với khát vọng chiến thắng, với kết quả kinh doanh mà bạn muốn đạt được dài hạn. Văn hóa doanh nghiệp mà không mang lại kết quả kinh doanh như mong muốn là văn hóa chết trong tháp ngà. Một khi xác định được khát vọng chiến thắng, bạn biết sẽ chọn lựa văn hóa nào để thổi hồn và lèo lái con thuyền doanh nghiệp đến thành công.
– NUÔI DƯỠNG BỘ RỄ – NIỀM TIN: Nên nhớ rằng văn hóa doanh nghiệp chính là niềm tin, thái độ và cách hành xử của ĐA SỐ nhân viên. Suy cho cùng chúng ta tất tần tật hành xử theo niềm tin. Rễ vững thì cây chắc. Niềm tin càng mạnh, thái độ và hành xử càng dứt khoát, nhất quán. Vì thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bằng niềm tin của chính bạn, người gieo hạt giống văn hóa doanh nghiệp. Và nhiệm vụ kế tiếp của bạn là truyền niềm tin ấy cho toàn thể mọi người và cùng nuôi dưỡng.
– XÁC ĐỊNH CÁCH CHĂM SÓC PHÙ HỢP – THÁI ĐỘ VÀ CÁCH HÀNH XỬ: Thái độ và cách hành xử là niềm tin biến thành hành động. Bạn phải xác định rõ thái độ nào, cách hành xử nào cho phù hợp với niềm tin. Lưu ý rằng chúng ta không nói đến thái độ của 1 cá nhân mà đây là bộ tiêu chuẩn ứng xử mà tất cả mọi người đều phải cùng tuân thủ và thực thi.
– THƯỜNG XUYÊN TƯỚI TẨM – TRUYỀN THÔNG ĐIỆP RÕ RÀNG. Hãy cho tổ chức của bạn biết rõ thái độ nào, cách hành xử nào được đánh giá cao, được khuyến khích và tôn trọng. Và cũng cho biết rõ điều gì không nên làm, đặc biệt là điều gì tuyệt đối không được làm. Mưa dầm thấm lâu, thông điệp này cần phải được nhắc nhở liên tục và thường xuyên. Tuy nhiên nên sáng tạo, đừng biến truyền thông thành hô khẩu hiệu lải nhải như chiếc loa phường, phản tác dụng!
– HƯỚNG RA ÁNH SÁNG – LÀM GƯƠNG: Cây luôn hướng ra ánh sáng. Tổ chức luôn nhìn vào người lãnh đạo. Chẳng ai tin kẻ nói một đường nhưng làm một nẽo. Niềm tin của tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn hành xử có đúng với những gì bạn yêu cầu người khác làm không. Người ta sẽ nhìn vào những gì bạn làm, những gì bạn không làm, đặc biệt cả những gì bạn dung thứ. Hãy có thái độ và cách hành xử như bạn muốn người khác làm.
– LUÔN LUÔN UỐN NẮN – THƯỞNG PHẠT CÔNG MINH: Thưởng phạt nhằm khuyến khích thái độ và cách hành xử phù hợp. Ngược lại các hành động không phù hợp phải bị dập tắt ngay. Khen thưởng cần rõ ràng và minh bạch. Khen thưởng không chỉ dựa vào kết quả mà nên khen thưởng cả các hành động mong muốn.
– ĐỪNG QUÊN VUN BÓN – ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN (COACHING): “Cho con cá, bạn cho người ăn trong 1 ngày. Dạy cách câu, bạn giúp người tự kiếm sống cả đời”. Hãy đào tạo, huấn luyện giúp cho nhân viên hiểu, nắm vững, thực hiện tốt các hành động mới theo như yêu cầu. Tận dụng mọi cơ hội để dìu dắt, huấn luyện. Hãy quan sát hành động và phản hồi. Huấn luyện là nghệ thuật đặt câu hỏi buộc nhân viên phải suy nghĩ, khám phá và tự tìm ra giải pháp.
Nên nhớ rằng văn hóa doanh nghiệp là do bạn gieo trồng và vun bón. Không có văn hóa tốt hay xấu mà chỉ có văn hóa phù hợp hay không với khát vọng chiến thắng của bạn.
Đừng đợi phú quý mới sinh lễ nghĩa mà hãy để lễ nghĩa sinh phú quý!
Saigon, 20/5/2016


— ST — Bài viết của Lam Binh Bao (Group PTDNV).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !