Khi bạn điều hành một tổ chức nhỏ 5 – 10 người, bạn thường dùng tình cảm, quan hệ anh em hay bạn bè để quản lý con người. Khi bạn quản lý một tổ chức 50 – 100 người, bạn cũng dùng tình cảm, sự thân tình, nhưng kèm theo đó là những quy định, luật lệ để duy trì nề nếp, và sự ổn định của tổ chức. Khi bạn quản lý một tổ chức lớn có hàng nghìn, nhiều nghìn người, bạn bắt buộc phải dựa vào luật lệ, quy định, các nguyên tắc, các quy trình vận hành, và hầu như bỏ qua các mối quan hệ tình cảm thân thiết…
Tình cảm, lòng bao dung, vị tha, hay lòng nhân ái là rất cần thiết, nhưng bạn phải hết sức cân nhắc, và phải sử dụng nó VÌ LỢI ÍCH TỔ CHỨC, chứ không phải vì danh tiếng (hay sự ngưỡng mộ) của chính mình. Khi bạn tha thứ lỗi lầm của một người (kể cả khi người đó rất đáng tha thứ), bạn có thể tạo sự bất bình cho hàng nghìn người khác. Khi bạn khen ngợi, động viên (motivate) một người, bạn có thể làm mất động lực (demotivate) hàng nghìn người khác.
Đơn giản là vì hàng nghìn con người đó, không ai giống ai. Họ không có cùng một suy nghĩ là nên hay không nên tha thứ cho một hành động vi phạm. Họ chỉ biết dựa vào điều luật đã được phổ biến, mà nếu làm khác, lập tức họ sẽ mất niềm tin vì cho là bạn thiên vị. Họ không bận tâm lắm về sự vị tha hay lòng nhân ái. Họ chỉ biết pháp luật đề ra là để thực thi, và phải được thực thi một cách công bằng. Đó cũng là nỗi đau của nhiều nhà quản lý…
Đôi khi, nhà lãnh đạo đau đớn lắm khi phải “xuống tay” với chính những người thân cận, trung thành nhất của mình; day dứt lắm khi phải trừng phạt những người đáng được tha thứ. “Quân pháp bất vị thân” là vậy! Nó khắc nghiệt, nó vô tình, thậm chí, có lúc nó rất tàn nhẫn. Ai làm lãnh đạo tổ chức lớn đều cũng phải trải qua những phút giây đau đớn, day dứt như vậy.
Khi bị giằng xé giữa một bên là lòng nhân ái, bên kia là tính nghiêm minh của pháp luật, người thủ lĩnh chân chính phải dám hy sinh cả sự kính trọng đối với bản thân mình để ra quyết định dựa vào LỢI ÍCH LÂU DÀI CỦA SỐ ĐÔNG (nhiều người ngoài cuộc không hiểu có thể chê trách quyết định của người thủ lĩnh)!
——————–
Một xe cấp cứu vượt đèn đỏ, gây tai nạn làm chết nhiều người. Lái xe vì nôn nóng cứu một người (động cơ tốt), nhưng lại làm chết nhiều người. Hành động này của anh ta vẫn phải bị trừng phạt (dù có lưu ý đến tình tiết giảm nhẹ), chứ không thể tha thứ! Nếu tha thứ, nhiều lái xe cấp cứu khác sẽ dựa vào tiền lệ này để bất chấp tất cả khi cho rằng mình đang thực hiện nhiệm vụ cứu người. Hậu quả sẽ như thế nào thì chắc ai cũng biết!
–ST– từ bài viết của anh Long Nguyen Huu – Group PTDNV