CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ? ĐỂ KHÔNG SỢ BỊ HÙ

Nhiều bạn cứ băn khoăn mãi về hai từ chiến lược vì thấy đâu đâu cũng nói về chiến lược kinh doanh, cái gì cũng gọi là chiến lược công ty, không biết thực hư thế nào. Thực sự, tôi cũng “mắc mệt” với các câu hỏi liên tục thế này nên xin phép trả lời chung ở đây cho mọi người tham khảo. Một số đặc điểm sau đây có thể giúp bạn nhận diện đâu thực sự là chiến lược của một công ty hoạt động đơn ngành (chiến lược kinh doanh) trong một rừng những thứ được gọi là chiến lược:

1. Thứ ấy có phục vụ cho một mục tiêu dài hạn không? Dài hạn là trên 5 – 10 năm hoặc lâu hơn. Hoặc ít nhất cũng vài năm, tạm gọi là trung hạn. Nếu thứ nào thay đổi xoành xoạch mỗi quý, mỗi năm thì không gọi là chiến lược. Chiến lược liên quan đến nguồn lực lớn, đầu tư lớn (ví dụ, phải xây nhà máy, nhập dây chuyền sx, mở rộng địa bàn, thuê mặt bằng hàng loạt, đầu tư cho nghiên cứu phát triển…), không phải chuyện đùa!

2. Nó có chỉ ra một con đường, một cách thức xuyên suốt và nhất quán đi đến mục tiêu đó không? Nếu nhảy lóc cóc chỗ này, chỗ nọ một cách tạm bợ và liên tục thay đổi đường đi thì không gọi là CL.

3. Nó có tạo sự khác biệt, độc đáo hay có gì đó đặc biệt có thể tạo ra giá trị vượt trội hơn đối thủ không? Nó có tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ không? Lợi thế cạnh tranh này có kéo dài được lâu không, có bền vững không? Nếu chỉ bắt chước, copy, làm theo, không có gì khác biệt vượt trội thì cũng có thể gọi là chiến lược, nhưng là “chiến lược copy”!🙂 Ngược lại, nếu làm chiến lược mà không tạo ra lợi thế nào, thì không cần làm chi cho mệt!

4. Con đường cạnh tranh, tạo giá trị vượt trội cho khách hàng (so với đối thủ) mà công ty bạn lựa chọn đó có dựa trên năng lực đặc biệt (được gọi là năng lực lõi hay cốt lõi) mà cty bạn có hay sẽ có không? Năng lực lõi là thế mạnh vượt trội so với đối thủ, đối thủ không thể bắt chước hoặc rất khó bắt chước, và có thể dùng nó để phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, phát triển kinh doanh rộng hơn, sâu hơn trong tương lai. Năng lực đó cty bạn phải sẵn có hay có khả năng xây dựng được, mua được, kiếm được từ đâu đó (ví dụ từ một hợp tác chiến lược).

5. Sự lựa chọn của bạn có phải đánh đổi không? Phải từ bỏ nhiều thứ để chọn lấy một số ít thứ không? Bỏ nhiều sản phẩm, bỏ nhiều nhóm khách hàng, bỏ nhiều thị trường, bỏ nhiều giá trị của sản phẩm… để chọn một số ít sp chủ lực, chọn một nhóm khách hàng mục tiêu, chọn một giá trị vượt trội mà thôi! Chiến lược mà không có sự đánh đổi (trade off), từ bỏ, hay loại bỏnào thì không là chiến lược!

6. Sự lựa chọn đó có được hình thành từ việc phân tích cẩn trọng các yếu tố bên trong, bên ngoài, nguồn lực nội tại, môi trường kinh doanh, thị trường, xu hướng tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, các yếu tố vĩ mô, vi mô, yếu tố ngành, yếu tố chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên… không? Hay chỉ là chọn bừa theo cảm tính, hay theo lời ai đó phán?
Và còn những câu hỏi khác nữa. Trên đây chỉ là những câu hỏi tối thiểu và quan trọng nhất để nhận diện chiến lược của công ty bạn.
……
* Cần lưu ý những thứ “lặt vặt” sau đây, như bổ sung hình thức bán hàng online, tinh gọn nhân sự, đàm phán cắt giảm thu nhập NV, động viên nhân viên, cải thiện quan hệ khách hàng, thay đổi cơ cấu, thêm bớt phòng ban bộ phận, nâng cao năng suất lao động, cải tiến liên tục, kinh doanh thêm mặt hàng phụ trong mùa dịch, tăng cường hay giảm bớt họp hành, làm việc tại nhà (work from home), tiết kiệm chi phí, kiểm soát dòng tiền, thay đổi cách quảng cáo, khuyến mãi, xây dựng kế hoạch làm việc, hệ thống báo cáo, xem lại quy trình, chăm sóc khách hàng…. KHÔNG PHẢI LÀ CHIẾN LƯỢC đâu (vì hầu như cty nào cũng làm thế và thường xuyên làm). Đó chỉ là những hoạt động CẢI THIỆN VẬN HÀNH (operatiomal improvement), là những CHIẾN THUẬT (tactics) để ứng phó linh hoạt với thời cuộc (giải pháp tình thế) thôi! Và các công ty sẽ đổ xô nhau cùng “đối phó” theo cách na ná nhau.
Những món ấy không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh bền vững nào cả (vì ai cũng làm được) nên chỉ là những giải pháp tạm thời thôi!
Để không sợ bị hù dọa về hai từ chiến lược, cách đơn giản và không tốn kém là chịu khó đọc bài và tham dự offline của Group PTDNV!🙂
*** Tham khảo ví dụ trong bài này: https://tranvanhai.info/chien-luoc-kinh-doanh/
Tác giả: Nguyễn Hữu Long – Founder Group PTDNV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !