(Mình có quan điểm trái ngược với nhiều chuyên gia nổi tiếng, thường xuyên lên sóng, lên hình, nhưng cuối cùng bài viết của mình cũng được lên báo!)
“Made in Vietnam” hay “Brand of Viet Nam” quan trọng hơn?
Khi tôi nói BRAND OF VIETNAM là rất quan trọng, có người bảo, nếu hầu hết linh kiện, bộ phận, hay nguyên liệu đầu vào của sản phẩm là của nước ngoài thì “Brand of Vietnam” có ý nghĩa gì (!?).
Thật sự thì, ngay cả những thương hiệu hàng đầu thế giới, họ vẫn sử dụng phần lớn nguyên liệu, linh kiện, bộ phận có nguồn gốc từ nước khác. Thậm chí, cả thành phẩm họ cũng sản xuất ở nước khác, hoặc thuê nước khác gia công, chỉ có brand (thương hiệu) là của họ.
Người ta cứ nghĩ rằng nếu nguyên liệu hay linh kiện không “Made in Vietnam” (lại mê cụm từ “made in VN”), tức không sản xuất tại Việt Nam, thì thương hiệu Việt chỉ là “phần vỏ”, không phải “phần ruột”. Họ không hiểu rằng dưới cái “vỏ” của thương hiệu, nếu biết cách chọn đúng phân khúc khách hàng và biết cách làm marketing, giá trị gia tăng cộng vào phần ruột là rất cao, có thể cao hơn nhiều lần giá trị phần ruột.
Nếu bạn cộng tất cả giá mua linh kiện và thành phần cấu tạo của một chiếc smart phone rồi đem so nó với giá bán của chiếc smart phone thành phẩm có thương hiệu mạnh, bạn sẽ thấy nó thua xa một trời, một vực.
Vậy nên thương hiệu Việt (BRAND OF VIETNAM) là rất quan trọng, bất kể nguyên liệu hay thành phần cấu tạo của nó được sản xuất ở đâu. Các doanh nghiệp làm thương hiệu mạnh luôn lựa chọn mua nguyên liệu, linh kiện, bộ phận, thậm chí thuê gia công toàn bộ sản phẩm ở bất kỳ nơi nào đem lại lợi thế cho họ hơn là tự sản xuất. Chẳng lẽ điều cơ bản này lại khó hiểu đến thế sao?
Để so sánh khái niệm “brand of Vietnam” và “made in Vietnam”, xin lấy ví dụ sau:
Một công ty Thái Lan sang Việt Nam đặt một nhà máy sản xuất nước mắm với toàn bộ nguyên liệu, công nhân là của Việt Nam (sản phẩm made in VN 100%), nhưng brand là của Thái Lan và xuất đi Mỹ, bán giá gấp 10 lần giá thành sản xuất ở Việt Nam.
Vậy thì sở hữu thương hiệu mạnh quan trọng hơn hay nguyên liệu, nhân công ở đâu, và sản xuất ở đâu quan trọng hơn?
Thêm ví dụ khác, một nhà máy gia công những đôi giày mang thương hiệu N. nổi tiếng với giá gia công 21 USD và được bán lẻ ra thị trường với giá 100 USD. Nếu cũng đôi giày ấy được gắn vào một thương hiệu không tên tuổi hoặc để không (không có thương hiệu nào) rồi đem ra bán với giá 25 USD, những khách hàng từng mua giày 100 USD sẽ không mua vì họ không muốn mang những đôi giày có thương hiệu rẻ tiền đi “trình làng” cho thiên hạ thấy, kể cả khi họ biết chất lượng đôi giầy không thay đổi.
Khách hàng không quan tâm trong 100 USD giá bán mà họ tự hào mua dùng ấy có những thành phần nào theo tỷ lệ nào, và cũng không quan tâm lợi nhuận của người bán là bao nhiêu. Họ chỉ biết đôi giầy hiệu ấy xứng đáng để họ mua với giá 100 USD, dù họ biết rõ giá gia công tại nhà máy chỉ có 21 USD.
Tình trạng hiện nay có quá nhiều sản phẩm made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam), nhưng toàn làm gia công cho nước ngoài. Những sản phẩm này đem lại lợi nhuận “khủng” cho nước ngoài, nhưng phần “made in Vietnam” đem lại lợi nhuận chẳng đáng là bao cho nước sản xuất. Các hợp đồng gia công cho các thương hiệu nước ngoài tạo nên những sản phẩm “made in Vietnam”, nhưng không tạo ra những thương hiệu của Việt Nam (brand of Vietnam). Đến một ngày nào đó, vì lý do nào đó, những doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu nước ngoài không thuê Việt Nam gia công nữa mà đem đi nước khác để ký hợp đồng thuê gia công. Khi đó các sản phẩm dưới tên thương hiệu nước ngoài đó không còn là sản phẩm “made in Vietnam” nữa mà có thể là “made in China”, “made in Thailand” hay “made in Malaysia”… Vậy thì sản phẩm “made in Vietnam” ngày nào liệu còn ý nghĩa gì với doanh nghiệp đã gia công chúng nói riêng và với người Việt nói chung?
Rõ ràng, những sản phẩm “made in Vietnam” mà mang thương hiệu nước ngoài, do người nước ngoài sở hữu, chỉ là những sản phẩm đem lại phần lớn lợi ích cho nước khác. Chính vì vậy mà bài toán về những sản phẩm mang thương hiệu Việt của người Việt (brand of Vietnam) mới được đặt ra và cần được khuyến khích xem xét nghiêm túc.
Khi người Việt, doanh nghiệp Việt sở hữu những thương hiệu mạnh, chúng ta có quyền làm ra những sản phẩm made in Vietnam hay made in một nước nào khác tùy theo giá thành sản xuất và các điều kiện khác, miễn sao tối ưu là được. Giả sử có thật nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt (brand of Vietnam) mà được sản xuất tại Mỹ (made in USA) hay Nhật (made in Japan) thì càng tự hào chứ sao?