Doanh Nghiệp cần làm gì trong mùa Covid?

DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ TRONG MÙA COVID?

 

Mùa covid, tôi có viết vài bài, đưa ra vài lời khuyên cho các doanh nghiệp. Những bài của tôi không có gì mới, cũng là những thứ tôi từng nói, từng viết, và nếu theo dõi sát Group, ắt bạn đã từng đọc, và từng nghe tôi chia sẻ.
Tôi không khuyên lại những lời khuyên chung chung như tiết kiệm chi phí, cắt giảm nhân sự, đàm phán giảm lương nhân viên, thu gọn tổ chức, mở thêm kênh bán online, phát triển sản phẩm mới, kiểm soát dòng tiền, sàng lọc sản phẩm, sàng lọc khách hàng, quản lý rủi ro, áp dụng chiến thuật linh hoạt, năng động…
Những thứ này, có thể bạn đã mất nhiều tiền để đi nghe ở đâu đó, để rồi chợt nhớ ra, ngay trong Group này, chúng tôi đã chia sẻ MIỄN PHÍ rất nhiều lần, và tại các buổi offline của Group đều có chia sẻ.
Những thứ mà tôi chia sẻ suốt hơn 5 năm qua, không phải chỉ dành cho các công ty hoạt động trong bối cảnh bình thường. Mà làm gì có khái niệm “bình thường” trong kinh doanh cơ chứ?
Doanh nghiệp nên làm gì với dịch covid
Môi trường kinh doanh luôn biến động, cơ hội và rủi ro luôn xuất hiện bất ngờ, khó đoán. Thời gian vừa qua, bạn cũng thấy rồi đấy. Nhiều công ty lớn sụp đổ không phải vì dịch bệnh, mà vì chuyện khác (chiến lược sai, vận hành sai, vi phạm pháp luật, bị khách hàng tẩy chay vì tai tiếng, đối thủ quá mạnh…). Tình trạng bất thường và khủng hoảng luôn có thể xảy ra với bất kỳ công ty nào, ở bất kỳ thời điểm nào, chứ không phải chỉ khi có đại dịch…
Môi trường kinh doanh luôn biến động khó lường, các điều kiện vĩ mô như pháp luật, kinh tế, xã hội, công nghệ thay đổi không ngừng. Môi trường vi mô (thị trường, nhu cầu, thói quen tiêu dùng, sản phẩm thay thế, nhà cung cấp, khách hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh…) cũng luôn thay đổi.
Muốn phát triển bền vững, phải có triết lý kinh doanh bền vững, phải làm ăn bài bản, hệ thống, có chiến lược, chiến thuật, kế hoạch, biết làm marketing, xây dựng thương hiệu, biết cách quảng bá, truyền thông, biết cách bán hàng, xây dựng đội ngũ, biết cách quản lý dòng tiền, sàng lọc khách hàng, sàng lọc sản phẩm, quản lý công nợ, chăm sóc khách hàng, biết cách xử lý khủng hoảng và quản lý rủi ro…
Những thứ này, Group đã chia sẻ hết rồi, và đã chia sẻ nhiều lần, cả online lẫn offline…, đâu phải là không nói đến! Vấn đề nằm ở chỗ, bạn có theo dõi chăm chú, có đọc, có học, có “mở nắp chai” ra để tiếp nhận và hành động không thôi!
Dịch bệnh là khó khăn chung, đâu phải chỉ dành riêng cho một công ty nào. Ta khó khăn, đối thủ cạnh tranh còn khó khăn hơn ta gấp bội. Đây là cơ hội để ta vượt lên đối thủ, kể cả đối thủ lớn, nếu biết cách. Không có khủng hoảng, khoảng cách giữa họ và ta ngày càng xa (vì họ quá lớn, quá nhanh). Có khủng hoảng thì họ càng lớn, càng vất vả, chậm chạp. Ta có cơ hội rút ngắn khoảng cách, thậm chí đuổi kịp và vượt lên…
Vì sao nhiều công ty là thành viên của Group PTDNV vẫn sống khỏe và thành công? Vì trong nguy luôn có cơ, trong khủng hoảng, luôn có nhiều cơ hội.
Những công ty nào chịu “tiêm ngừa” bằng vaccine triết lý kinh doanh bền vững và những triết lý kinh doanh ngược đời khác, thường xuyên được chia sẻ trong Group, và chịu HÀNH ĐỘNG theo những gì Group đã trang bị suốt bao nhiêu năm qua, họ sẽ đứng vững và phát triển.
Ngẫm lại mà xem, chúng tôi đã chia sẻ những gì? Triết lý kinh doanh có không? Có! Quản lý rủi ro có không? Có!, Xử lý khủng hoảng có không? Có! Sàng lọc khách hàng, sàng lọc sản phẩm, có không? Có! Quản lý dòng tiền có không? Làm marketing trong điều kiện ngân sách eo hẹp có không? Có! Trai nghèo có lấy được vợ không? Có! Bán hàng bền vững có không? Có! Nâng cao hiệu suất và hiệu quả làm việc có không? Có!
Và còn vô vàn (tôi khẳng định là vô vàn!) những thứ khác như chiến lược, chiến thuật, kế hoạch, hiệu suất, hiệu quả, marketing, bán hàng, làm thương hiệu , nhân sự, tài chính, sản xuất, cung ứng, quản lý chất lượng… Gần như không thiếu thứ gì.
Những thứ ấy đâu chỉ dành cho công ty khi thuận lợi. Nó dành cho công ty khi cả thuận lợi lẫn khi khó khăn (vì nó hướng dẫn cách thức cạnh tranh, cách thức chiếm lấy trái tim khách hàng, cách thức phát triển bền vững, cách thức quản lý rủi ro, cách thức xử lý khủng hoảng…) Chiến lược là đi đường dài, chiến thuật là ứng phó linh hoạt trong những tình huống khẩn cấp, ngắn hạn.
Lời khuyên của tôi là hãy ngẫm lại những bài học đã học, và hãy hành động, đừng than khóc! Thực tế, những công ty hành động và không than khóc vẫn đứng vững, và còn phát triển đấy thôi!
Tác giả: Nguyễn Hữu Long – Founder Group PTDNV.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !