Doanh nghiệp nên làm gì trong mùa covid?
Nhiều bạn đặt câu hỏi này. Những lời khuyên dưới đây là những chiến thuật (tactics) mà tôi đã chia sẻ nhiều lần, đang được không ít thầy bơm lên vô tội vạ thành những “chiến lược” (strategy) cho thật hoành tráng để móc túi các doanh nghiệp vốn đã hết sức khó khăn do đại dịch.
1. Tối ưu hóa chi phí (chứ không phải tiết kiệm chi phí). Khoản nào quan trọng và cấp bách vẫn phải chi. Khoản nào không quan trọng thì cho dù có cấp bách cũng nên cắt bỏ hoặc tiết giảm tối đa. Khoản nào quan trọng mà không cấp bách thì tạm hoãn lại. Khoản nào không quan trọng và không cấp bách thì đưa luôn ra khỏi danh mục chi phí.
Tùy theo đặc thù doanh nghiệp, chi phí marketing để quảng bá spdv, thúc đẩy bán hàng trong mùa dịch, khi đối thủ ngủ đông, có thể là một chi phí quan trọng và cần kíp, chứ không hẳn là chi phí cần cắt giảm. Tôi được biết, có nhiều công ty tranh thủ chi cho marketing nhiều hơn để tận dụng cơ hội đuổi kịp và vượt đối thủ (đang co cụm). Thời nay có nhiều cách làm marketing ít tốn kém mà vẫn hiệu quả (tôi hay nói đùa là trai nghèo vẫn lấy được vợ).
2. Mở thêm kênh bán hàng online và giảm bớt đầu tư cho các kênh truyền thống, nhưng hãy thận trọng khi cắt bỏ hoàn toàn kênh truyền thống. Hết dịch, người ta lại sẽ thích sờ tận tay, thấy tận mắt và dạo chơi, ngắm nghía khi mua hàng, đặc biệt là các siêu thị, cửa hàng, điểm bán ở vị trí thuận tiện, với nhiều lựa chọn spdv. Mua một thùng mì tôm hay chai dầu ăn, người ta vẫn thích ghé tiệm tạp hóa gần nhà lấy luôn hơn là đặt online rồi phải chờ rất lâu!
3. Tạm thời kinh doanh thêm spdv mới, thiết yếu trong mùa covid, những spdv có giá rẻ và trung bình dành cho đại đa số người dân có thu nhập thấp và giảm sút. Để dễ hình dung, bạn cứ nhìn vào những nơi mà người có lòng hảo tâm bày ra trên đường và ghi “Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần”…, ở đó bạn có thể nhìn thấy những mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch!
4. Rà soát lại danh mục spdv của mình và tạm thời cắt giảm bớt những spdv không đem lại doanh thu trong mùa dịch.
5. Rà soát danh sách khách hàng. Mạnh tay ngưng phục vụ khách hàng chây ì, chiếm dụng, khách hàng không đem lại giá trị dương cho bạn.
6. Rà soát, thanh lọc nhà cung cấp và các đối tác; đàm phán hạn mức công nợ và thời hạn thanh toán, nhưng cũng đừng ép họ quá, vì họ cũng khó như mình.
7. Nếu quá khó khăn, hãy cân nhắc đàm phán với nhân viên trên tinh thần đồng cam cộng khổ, giảm bớt phần nào thu nhập của họ, và đảm bảo việc làm, hạn chế tối đa cho nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng, vì giai đoạn này mà đẩy họ ra đường thì quá tội cho họ. Doanh nghiệp hoạt động đã lâu, dù sao cũng có lợi nhuận tích lũy nhờ công sức đóng góp của NV, hãy giảm bớt phần tích lũy này để chăm lo cho họ và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Họ sẽ rất cảm kích và sẽ đền đáp xứng đáng cho công ty sau này. Hãy giảm quỹ lương (nếu quá khó khăn), nhưng xin đừng cắt giảm nhân sự. Cắt giảm nhân sự chỉ nên là biện pháp cuối cùng, khi không còn lựa chọn khác! Please!
8. Tận dụng giai đoạn ít việc để xem xét, đánh giá lại định hướng công ty, chiến lược, mô hình kinh doanh, hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức, nhân sự, quy trình, năng lực đội ngũ, làm 5S, dọn dẹp, sắp xếp lại nhà xưởng, kho bãi, vp, kiểm kê, thanh lý tài sản, chỉnh đốn sổ sách kế toán…
9. Hạn chế tối đa làm chiến lược trong giai đoạn không rõ ràng về thông tin và diễn biến dịch bệnh khó lường, mà nên tập trung vào chiến thuật linh hoạt để ứng biến. Tôi thì tin rằng, nếu bạn đang có chiến lược đúng và kinh doanh hiệu quả trước dịch thì nếu dịch bệnh qua nhanh, đa phần chiến lược đó sẽ vẫn phát huy hiệu quả sau dịch (tất nhiên, cũng có trường hợp phải thay đổi chiến lược sau dịch).
10. Hãy đừng mất tiền cho các thầy lang thiếu tâm lẫn tầm, tranh thủ móc túi doanh nghiệp trong lúc khó khăn, kiệt quệ. Hãy chọn đúng thầy để được cho đúng thuốc, và cả liệu trình chữa trị phù hợp!
Tác giả: Nguyễn Hữu Long – Founder Group PTDNV.