Thành bại của doanh nghiệp cũng vì chữ “tôn trọng”

Sự thành bại của một tổ chức doanh nghiệp, một group, một phòng ban hay bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội đều xuất phát từ 2 từ “tôn trọng”.

Tại sao “tôn trọng” nó lại quan trọng đến vậy?

Một doanh nghiệp không tôn trọng khách hàng thì sẽ mất khách hàng vào tay đối thủ. Một ông chủ không biết tôn trọng nhân viên thì nhân viên cũng không thể toàn tâm toàn ý cố gắng vì mục tiêu chung của doanh nghiệp. Một đội nhóm mà các thành viên không tôn trọng nhau thì đích đến của nhóm đó sẽ hoàn toàn thất bại. Một mối quan hệ giữa 2 con người mà không có sự tôn trọng nào đặt lên thì mối quan hệ đó sẽ đổ vỡ.

Tôn trọng rất quan trọng. Đó là mấu chốt bắt đầu cho mọi mối quan hệ, bắt đầu cho môt khởi đầu để thành công nếu như chúng ta biết vận dụng nó. Đặc biệt ở đây tôi muốn nhấn mạnh về cách ứng xử, giao tiếp trong tổ chức doanh nghiệp.

Tôn trọng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong các mối quan hệ

Quản lý doanh nghiệp thực chất là quản lý lòng người. Rất nhiều kiến thức hiện nay có đề cập về vấn đề quản lý trong doanh nghiệp và hầu hết đều ghi nhận rằng quản lý chính là 4M (có nơi thì 5M). 4M ở đây chính là máy móc (machine), nguyên vật liệu (material), phương pháp (method) và con người (Man). Và 5M thì M còn lại chính là tiền (Money). Vậy thì trong số các M trên thì M nào là quan trọng nhất? M quan trọng nhất chính là con người. Tất cả các M kia đều cần có con người tác động, từ khâu sản xuất, điều hành, quản lý, chi phối tất tần tật. Doanh nghiệp khi có các con người phù hợp với định hướng kinh doanh thì đó là điều may mắn cho các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên việc lựa chọn và đào tạo con người vô cùng quan trọng. Đặc biệt là với sự phát triển không ngừng về công nghệ 4.0 như hiện nay.

Có thể nói thành bại của một doanh nghiệp phụ thuộc vào nhân viên, đội ngũ của doanh nghiệp ấy.

Dấu hiệu nào để nhận biết đội ngũ của doanh nghiệp có thực sự mạnh khỏe?

Một đội ngũ mạnh là một đội ngũ mà trong đó mọi thành viên đều hoạt động dựa theo nguyên tắc “tôn trọng”. Mọi thành viên tôn trọng lẫn nhau, từ quản lý đội nhóm tới các thành viên đều tôn trọng nhau trong suốt quá trình triển khai làm một dự án bất kỳ nào đấy.

Một đội ngũ mạnh là một đội ngũ mà trong đó mọi thành viên đều sẵn sàng vì một mục tiêu chung, cùng nhau đồng lòng, chia sẽ nhau để hướng đến mục tiêu của duy nhất của đội.

Một đội ngũ mạnh thì chắc chắn phải có một anh leader (trưởng đội ngũ) tuyệt vời. Bởi vì bất kỳ một đội nhóm nào cũng cần phải có một người trưởng nhóm. Anh (chị) đó sẽ là người kết nối các thành viên và bằng một cách nào đấy lòng ghép các quy tắc ứng xử, trao đổi công việc giữa các thành viên để hướng đến việc đạt được mục tiêu chung của đội ngũ.

Đội ngũ trong doanh nghiệp của bạn đã có các yếu tố ở trên hay chưa? Nếu chưa có thì làm thế nào để xây dựng được một đội nhóm, một tổ chức hoạt động hiệu quả dành cho doanh nghiệp của mình?

Yếu tố đầu tiên đó là cần phải lựa chọn người đứng đầu của tổ chức, của đội nhóm đó. Và phải là người có nhân cách, đạo đức tốt bên cạnh việc biết cách sắp xếp tổ chức hoạt động cho đội ngũ của mình được hiệu quả.

Tại sao người đứng đầu lại phải là những người có nhân cách, đạo đức tốt trước tiên?

Bởi vì nhân cách và đạo đức không tốt thì người đó sẽ phá hoại rất hiệu quả dù cho người đó có kỹ năng và kiến thức siêu giỏi đi nữa. Do đó việc đầu tiên là phải lựa chọn những người có nhân cách, đạo đức tốt. Cách nhận biết họ cũng không quá khó trong thời buổi hiện nay (ví dụ: bạn có thể vào tường facebook của người đó để xem các bình luận, các bài viết, các bình luận của họ về các việc làm tử tế, rồi giao tiếp với bạn bè, bố mẹ, anh chị em của họ. Và tất nhiên đó chỉ là một phần nhưng theo tôi hầu hết dựa theo đó là khá chính xác).

Yếu tố thứ 2 đó là tôn trọng lẫn nhau. Tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều phải tôn trọng nhau. Dù cho mức lương hay kỹ năng giải quyết công việc của các thành viên có yếu hoặc kém đi chăng nữa. Nhất quyết phải tôn trọng ý kiến từ mọi thành viên. Lắng nghe người khác chính là sự tôn trọng đầu tiên mà mọi người cần phải làm.

Yếu tố thứ 3 đó chính là luôn nhìn vào điểm mạnh của mỗi người chứ không phải săm soi vào điểm yếu của họ. Người đứng đầu đội ngũ phải biết nhìn vào điểm mạnh của các thành viên để khích lệ họ phát triển. Giúp họ có được cảm giác giỏi giang và quan trọng. Là con người ai cũng cần có cảm giác được tôn trọng và muốn mình là quan trọng. Nhân viên sẽ dốc hết lòng, hết sức để làm việc và nghiên cứu cùng bạn nếu người đứng đầu biết cách cứ xử và giao tiếp đúng mực. Nếu một khi mà họ không có cảm giác đó và suốt ngày phải nhận những câu trách móc, chê bai thì lẽ dĩ nhiên họ sẽ làm việc đối phó cho qua ngày. Và rồi họ sẽ rời bỏ bạn, rời bỏ đội nhóm và doanh nghiệp của bạn.

Yếu tố chứ 4 chính là khen thưởng trước đám đông và chê trách phê mình riêng với các thành viên. Người đứng đầu nên biết cách chọn thời điểm để khen, chê trách với bất kỳ thành viên nào đó. Hãy khen chê một cách thật lòng, tuyệt đối đừng giả tạo. Đó cũng là nghệ thuật “tôn trọng” trong việc khen chê của doanh nghiệp.

Yếu tố thứ 5 là cần có một quy tắc hoạt động của đội nhóm, của phòng ban và của cả doanh nghiệp. Người đứng đầu cần phải nhận thức được việc này và chỉ đạo xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Người đứng đầu cần nhất quán trong lời nói, đặc biệt là trong công việc. Hãy rõ ràng và có trách nhiệm với mọi hành vi, lời nói của mình. Đừng dùng quyền thế, tiền bạc để biến những thành viên khác thành một robot hay một con rối. Hãy nhớ nhân viên chính là con người, do đó cần nhất quán từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc. Nhân viên có tự tin để xử lý công việc hay không, có giỏi giang hay không đều phụ thuộc vào người đứng đầu của tổ chức doanh nghiệp. Hãy là người biết tạo ảnh hưởng cho tất cả các thành viên trong tổ chức.

Yếu tố thứ 6 là mục tiêu hay đích đến của tổ chức, của đội nhóm, phòng ban đó là gì? Hãy xác định mục tiêu nếu không tổ chức hay đội nhóm của bạn sẽ không thể đi tới đâu cả.

Yếu tố thứ 7 đó là nên tạo không khí vui vẻ, hòa đồng trong tổ chức thông qua các cử chỉ giao tiếp hàng ngày. Hoặc tạo thêm các buổi hoạt động ngoại khóa như tổ chức du lịch, ăn uống, karaoke để tăng thêm mức độ thân mật cho các thành viên. Đó cũng là yếu tố giúp kết nối các thành viên lại với nhau.

Yếu tố thứ 8 cũng khá là quan trọng đó chính là tiền bạc. Hay nhớ rằng tiền bạc không phải là yếu tố quyết định trong việc tổ chức có hoạt động hiệu quả hay không mà là “tôn trọng” chính là yếu tố tiên quyết xuyên suốt mọi quá trình của tổ chức.

Yếu tố thứ 9 là dành cho người đứng đầu tổ chức hay đứng đầu đội nhóm, đứng đầu phòng ban của doanh nghiệp. Đó chính là hãy biết lắng nghe và quan tâm thật lòng tới các thành viên. Hãy biết giải quyết các vấn đề phát sinh, sự cố, mâu thuẫn trong quá trình làm việc dựa theo nguyên tắc tìm nguyên nhân gốc rễ và xử lý theo nguyên tắc chúng của tổ chức. Dựa trên quy tắc tôn trọng nhau để yêu cầu các thành viên phải luôn ghi nhớ việc tôn trọng lẫn nhau là yếu tố sống còn của tổ chức.

Trên đây tôi chỉ đưa ra 9 yếu tố cơ bản và nếu áp dụng tốt tôi tin các tổ chức, các phòng ban hay các đội nhóm sẽ đạt được sự thành công nhất định. Tôi rất mong cũng thông qua bài viết này để gửi tới những ông chủ, bà chủ của các doanh nghiệp cần phải nhận thức được tầm quan trọng của 2 chữ “tôn trọng” để từ đó giúp cho nhân viên doanh nghiệp của họ được làm việc vui vẻ và phát triển tốt nhất có thể.

TRẦN VĂN HẢI – Founder NATAFU GROUP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !