Tự dưng đời thênh thang

3 tháng đầu khởi nghiệp, tui làm từ sáng sớm đến 2h khuya hôm sau. Sau thấy nếu tiếp tục mình-ên vậy là dở, tui bèn tuyển người vô phụ, bung sức ra đi gặp gỡ chào hàng. Đầu tiên có 1 đứa phụ, nguy cơ nó sẽ bỏ việc vì buồn, nên tui tuyển 3 đứa nữa vô cho thành ngũ hành (tính tui nữa là 5). Lãi chỉ đủ chi phí vận hành, máy lạnh chỉ dám bật từ 10h sáng đến 3h chiều thì tắt, dùng quạt cho tiết kiệm điện.

Tui đi chào hàng khắp nơi, sống theo chủ đề “hẹn và gặp”. Lúc đó có 1 đơn vị ở Hà Nội, tui xin hẹn mãi không được. Gọi cả trăm cuộc, mấy chục cái fax có tiêu đề “thư xin hẹn”, họ đều không trả lời. Rồi tui gửi cả thư tay vẫn bặt vô âm tín. Ông giám đốc tên P, nghe đồn già sắp về hưu rồi, khó tính kiêu sa lắm. Trong ngành ai cũng sợ, ổng có thế lực, vừa có tiền, vừa nắm thị phần chủ đạo, chủ tịch cả hiệp hội chuyên ngành, là tiến sĩ bên Liên Xô về, tiếng Anh tiếng Nga tiếng Trung thành thạo. Công ty ổng mà mua hàng dù 1 lần thôi thì coi như DN mình có profile uy tín, sau bán cho ai cũng dễ. Tui hẹn miết không được thì quyết định bay ra luôn, face-to-face. Tới văn phòng công ty ổng 3 lần, lần nào cô tiếp tân cũng nói chú P bận. Tui ngồi quán trà đá vỉa hè đối diện, thấy ổng xong việc thì ra xe ô tô, tài xế chở đi mất, nhìn xa xa thấy tuổi tác ổng chắc cỡ ba tui hoặc bác hai, thấy tóc bạc phơ nhưng tướng nhìn sang. Lên trụ sở hiệp hội thì biết là 1 tuần ổng ghé đó 1 lần, chỗ này dễ tiếp xúc hơn, không có tiếp tân chặn đường. Thế là tui mai phục ở chỗ trụ sở hiệp hội, tới ngày ổng lên ký giấy tờ, ngồi chờ hết cho người ta xong việc, thấy không còn ai thì gõ cửa. Sau đây là diễn biến:

– Cốc-cốc-cốc!
– Mời vào!
– Dạ, con là Nguyễn Văn Bình, công ty Hoàng Hôn Chiều Tím ở miền Nam, con có xin hẹn chú mấy lần… (tui vừa cười vừa nói).
– (Ngắt lời) Biết rồi, gớm, xin hẹn gì mà lắm thế. Công ty tôi không mua hàng đấy, tôi không tiếp cậu.
– Dạ, chú cho con 5 phút thôi ạ…(tui vẫn tiếp tục cười giả lả).
– Không, cậu về đi. Đừng phiền tôi nữa! (lấy tay hất vẫy đuổi đi, mặt giận dữ).
– Dạ con cảm ơn chú!
Nói xong tui vòng tay lại theo phản xạ rồi cúi đầu, “thưa chú con dìa”, lúng túng khép cửa lại. Tiền bạc khó khăn, dành dụm mấy tháng mới đủ mua cái vé máy bay lúc khuya cho rẻ, rồi ở cái nhà nghỉ bình dân gì gần phố Cấm Chỉ, ăn xôi uống trà đá cả tuần, mà việc mong muốn nhất lại không thành, cố kềm mà nước mắt cứ rươm rướm. Tui ra đứng trước cổng hiệp hội, chờ vẫy taxi về nhà nghỉ lấy hành lý, định ra sân bay mua chuyến nào còn vé giờ chót thì bay về luôn. Vắng công ty cả tuần rồi. Đang đứng thì thấy chú bảo vệ ra, bảo chú P kêu vào. Diễn biến tiếp theo:
-Cốc-cốc-cốc!
-Mời vào!
-Dạ, chú P gọi con?
-Ừ, cậu trình bày gì thì trình bày đi, nhớ đúng 5 phút thôi nhé. Tôi không có thời gian.
-Dạ!
Xong tui mừng gì đâu mà mừng. Quíu tay quíu chân. Bèn lấy laptop, catalogue ra. Chú P ngồi nghe kiểu cho có, chứ không quan tâm mấy. Xong tui chợt nhớ đến 1 bài báo, chú có nói về việc thiếu 1 nguyên liệu trầm trọng, nguyên liệu đó chủ yếu từ Trung Quốc, họ cấm xuất nên một số nhà máy VN phải dừng sản xuất đề chờ, thiệt hại rất nhiều. Tui may mắn search tìm được 1 nguồn thay thế từ Brazil, nhập về 1 ít để chạy thử, hàng đang kho Đà Nẵng. Nghe tui nói vậy, mắt chú P sáng rỡ lên. Tui đứng lên, dạ đã hết 5 phút chú cho con rồi, thôi xin phép chú con dìa. Lúc đó tui nghĩ, người ta cho mình mấy phút thì chỉ nói nhiêu đó thôi chứ không phải tung chiêu gì. Chú P bảo, ớ, cái cậu này, chưa xong mà. Hay là con mời chú đi ăn trưa nói chuyện luôn được không ạ, cũng đến giờ trưa rồi. Ổng nói, “Thế cũng được. Chú mời!”.
Trưa đấy, chú đãi tui ăn trưa ở KS Metropole, sang trọng lắm. Ăn và bàn xong việc, nói chuyện 1 lúc thì thân tình dần, tui hỏi sao hồi nãy chú gọi con quay lại vậy? Chú nói tại tôi thấy tôi đuổi đi mà cậu vẫn cảm ơn, rồi cậu khoanh tay cúi chào, nhìn như học trò lễ phép ngày xưa, ông nội tôi là thầy đồ, luôn dạy con cháu phải khoanh tay chào người lớn tuổi, nhưng tới đời chú thì thấy ngượng ngượng kỳ kỳ, rồi đất nước khó khăn về kinh tế, giành giật nhau kiếm miếng ăn nên lễ nghĩa bỏ qua, nay thấy tui thực hiện thì mới nhớ lại. Chú hài lòng khi thấy tui dạ thưa với cả những cô cậu phục vụ ở nhà hàng, dù họ nhỏ tuổi hơn. Tui nói ở quê con, có những gia đình gốc địa chủ cũ như nhà ngoại, dạy con cháu kỹ lắm, ra đường là một hai dạ thưa ngọt lịm với người lớn, đúng sai gì cũng nhận lỗi về mình. Như má con hay dì Ba con, đang đi trên đường thấy xe tang đi qua thì đều dừng lại, nép mình sang 1 bên, hạ mũ nón xuống. Dân quê con thấy người già hay trẻ con hay bà bầu tới là tới hỏi có cần chở đi hay giúp gì không, lúc nào cũng nhường nhịn.
Từ nhỏ, dì Ba tui dặn, mình cứ gặp người lớn bậc cha chú là vòng tay lại thưa gửi, đại loại, dạ thưa cậu con mới tới, dạ thưa cô con đi dìa. Học trò học dè phải lễ phép. Có cho tiền ăn xin cũng đưa 2 tay, phải tôn trọng họ. Chúng ta đều là con người.
Tui làm theo lời dì dặn, có chút vậy thôi mà cũng kiếm được hợp đồng bự chảng. Và vì được nhiều người yêu mến, đời tui thênh thang.
———————
* Bạn có thể lưu lại, bạn sẽ mất đi nhưng con cháu bạn sẽ là những gì bạn dạy dỗ hôm nay. Và đời chúng sẽ thênh thang.
<Sưu tầm>

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Blog không cho phép copy nội dung.

Hãy đọc và ghi chép lại vào sổ học tập của bạn.

Xin cảm ơn !