Người nói và người làm ai quan trọng hơn?
Ở bài viết này tôi chỉ chia sẽ lại nội dung bài viết của anh Nguyễn Hữu Long (Founder Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt) về việc coi trọng và nhìn nhận giữa người làm, người nghĩ, người nói và người mơ mộng.
Có người cho rằng người làm (doer) quan trọng hơn người nghĩ (thinker), người nói (talker), người mơ mộng (dreamer), vì chỉ có người làm mới đem lại thành tựu, còn 3 loại người kia thì không (!?)
Tôi KHÔNG đồng ý với quan điểm này, vì:
1. Người tư duy, hay nhà tư tưởng (thinker), bản thân họ cũng là người làm (doer), mặc dù trông có vẻ như họ không làm gì. Vậy họ làm gì? Họ ngày ngày vắt óc nghĩ ra những thứ quan trọng và có giá trị để cho người khác học và làm. Thành tựu của họ là gì? Là các tư tưởng, triết lý, lý thuyết, học thuyết, quy luật, định luật, phương pháp, công thức, công cụ… được cả nhân loại áp dụng trong nhiều lĩnh vực.
2. Người truyền đạt (talker) cũng là người làm (doer). Họ làm gì? Họ chỉ ra điều đúng để làm (right thing to do) và truyền đạt các phương pháp, công cụ, cách thức để cho người làm tăng thêm hiệu suất và hiệu quả. Thành tựu của họ là gì? Là năng suất, hiệu quả, kết quả kinh doanh, kết quả công việc, mà những người thực hiện làm theo lời truyền đạt của họ và tạo ra.
3. Người ước mơ (dreamer) cũng là người làm (doer). Họ làm gì? Họ đưa ra sứ mệnh, tầm nhìn, hoài bão và các mục tiêu (mong đợi) để cho người khác thực hiện. Thành tựu của họ là gì? Là sứ mệnh, tầm nhìn, hoài bão, mục tiêu được người khác thực hiện và hoàn thành theo đúng ý nguyện của họ.
Vậy nên, hãy đừng coi thường những người này (thinker, dreamer, talker), và đừng cho rằng họ không làm gì, không có thành tựu gì. Chính họ, chứ không phải ai khác, mới là những người dẫn dắt thế giới và làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn! Và đừng quên, khi họ suy nghĩ, họ chuyện trò, họ mơ mộng, chính là lúc họ đang làm việc. Họ không làm việc thì họ… cạp đất mà ăn à?
Bạn đồng ý không? Trong doanh nghiệp của bạn cũng có các loại người thinker, talker, dreamer và doer chứ? Và ngay cả mỗi người cũng có thể đồng thời đóng nhiều vai, có lúc làm thinker, có lúc làm talker, dreamer hay doer!
Nguồn trích dần từ Tác giả: Nguyễn Hữu Long <Group PTDNV>